Cuộc sống luôn có những người làm tôi khâm phục, và một người thầy như thế lại khiến tôi xúc động, kính trọng biết bao. Nhân ngày 20-11,mình gửi đến cả nhà một gương sáng về người thầy mà mình đọc đc hôm nay
http://tuoitre.vn/Giao-duc/411464/Thay-giao-ngheo-cua-hoc-tro-ngheo.htmlThầy giáo nghèo của học trò nghèo
TT - Những đứa học trò tròn xoe mắt nhìn thầy trong ngày đầu nhập học. Dáng khom khom, khuôn mặt có vẻ “dữ dằn” vì một bên mắt không còn và cả vết sẹo dài còn thâm mờ trên má trái của thầy giáo mới khiến lũ trẻ ngồi im phăng phắc. Tuy nhiên chỉ vào chiều hôm đó, lớp học đã rôm rả tiếng học trò hỏi bài thầy.
Thầy Kiệt và lớp học tình thương ở chùa Phước Thiện, quận 7, TP.HCM - Ảnh: LÊ VÂN
Cứ 4g sáng, thầy Phan Anh Tuấn lại đón ba chuyến xe buýt luân phiên từ Củ Chi lên chùa Phước Thiện ở quận 7, TP.HCM dạy học. Khác hẳn với người đàn ông tuềnh toàng, lặng lẽ mà chúng tôi gặp trong căn phòng trọ ở Củ Chi, lúc đứng lớp, dù chỉ với chiếc áo sơmi cũ nhạt màu, thầy Tuấn trở nên nghiêm trang và sôi nổi khác lạ.
Học trò vẫn thường gọi thầy là thầy Kiệt - người từng giảng dạy nhiều lớp học tình thương hơn mười năm qua ở quận 6, quận 7 và huyện Nhà Bè (TP.HCM). Đã có lúc vì cuộc mưu sinh cơ cực, người thầy tưởng như bế tắc với cuộc sống cuối cùng lại tìm được tin yêu, khát khao sống từ bục giảng. “Trái tim tôi dành cho trẻ thơ...”, triết lý sống giản dị ấy luôn khắc sâu trong tâm hồn người thầy của những học trò nghèo.
“Mồ côi không phải đồ mất dạy!”Khi mới tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, thầy Kiệt được phân công là tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Huệ 1 (quận 4, TP.HCM). Đây cũng là thời gian gia đình thầy Kiệt gặp nhiều sóng gió nhất. Người chị gái mắc chứng trầm cảm một thời gian dài, thi thoảng lại lên cơn đập phá mọi thứ trong gia đình.
Giữa lúc cuộc sống đang chênh vênh về vật chất thì vợ thầy Kiệt bỏ đi, để lại cô con gái chưa tròn 1 tuổi. Sự gắn bó với những học trò hư hỏng của thầy bắt đầu từ khi thầy được giao phụ trách thêm lớp phổ cập ban đêm ở trường. Đó là những “học trò lớn” vừa quậy phá vừa nghèo khó.
Cô Đặng Thị Thu Thảo - người phụ trách các lớp học tình thương ở chùa Phước Thiện - nói: “Tôi ấn tượng với người thầy hiền lành nhưng rất nghiêm khắc với học trò. Chỉ riêng lớp của thầy Kiệt, năm nào học sinh ở chùa Phước Thiện đi thi cũng đỗ tốt nghiệp cao”.
Cậu học trò Nguyễn Hoàng Tuấn nhớ lại: “Nhớ nhất là những lần sinh nhật các bạn trong lớp, thầy Kiệt đều tổ chức vui lắm. Có bánh, nước ngọt, bong bóng và rất đông bạn bè - điều ngay chính ba má ở nhà cũng vì nghèo, bận rộn mà có khi quên cả ngày sinh của con...”.
Còn Hoa thì bộc bạch: “Để có tiền tổ chức sinh nhật cho mấy bạn, thầy phải tự nấu bún riêu hay hủ tiếu bán cho bà con trong hẻm”.
“Dưới ánh đèn đường vàng nhạt, có bốn mẹ con cậu học trò tên Hậu bán bánh canh từ chập tối tới khuya. Bàn tay cậu học trò học lớp phổ cập (xóa mù chữ) khi đó chai sần vì đêm nào cũng ngồi vo bò viên cho mẹ. Tình cờ đi ngang qua, thầy Kiệt từ tò mò tới thương cảm đã xin bà mẹ nghèo dạy cho cả ba đứa trẻ học chữ.
Thằng lớn học lớp 5, đứa kế học lớp 4, nhỏ nhất học lớp 1. Công dạy học của thầy là một... tô bánh canh mỗi khuya. Thương thầy giáo trẻ nhiệt tình, bà mẹ nghèo còn cho thầy mượn chiếc xe đạp đi dạy, tiếc là ít lâu sau trong lúc đang dạy học tụi nhỏ ở vỉa hè thì xe mất.
Ông hàng xóm thương tình ra chợ Chiều mua tặng thầy chiếc xe cũ. Rồi những người trong hẻm mẹ Hậu cũng nhờ thầy dạy kèm cho con. Có cậu xe ôm tên “thầy Ba xì ke” 16 tuổi rồi vẫn chưa biết chữ cũng rón rén xin thầy dạy học để biết chữ còn ăn nói với người ta...
Đó là những ký ức không thể quên trong cuộc đời đứng trên bục giảng của thầy Kiệt. Điều trăn trở mà tuổi thơ thầy Kiệt luôn bị bạn bè trêu chọc: “Má tao nói mày mồ côi là đồ mất dạy!” luôn được thầy giáo mồ côi này nhắc nhớ học trò: “Mồ côi không phải là đồ mất dạy!”. Hành trình cơ cực của cậu bé mồ côi trở thành một giáo viên dường như đã là một sự đồng cảm với học trò.
Sau một thời gian dạy ở Trường Nguyễn Huệ 1 rồi Trường Thiếu niên 3 (quận Gò Vấp), thầy Kiệt được cô Đặng Thị Thu Thảo, phụ trách lớp học tình thương chùa Phước Thiện (xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè, nay là phường Tân Quy, quận 7), mời về dạy học tại đây. Thời gian này thầy Kiệt cũng phải bán căn nhà của ba dượng để lại ở quận 10 để có tiền trị bệnh cho chị gái.
Đường đời chênh vênhCăn phòng trọ ở khu chợ Chiều, xã Tân Phú Trung, Củ Chi là nơi thầy Kiệt cùng cô con gái Uyển Nhi, người chị gái bị chứng trầm cảm (lâu lâu lại nổi cơn như người mắc bệnh tâm thần) và ông ba dượng đã 83 tuổi sống cùng nhau. Những ngày bế tắc nhất là khi thầy Kiệt nhập viện cắt bướu máu. Chị ốm, ba dượng mất sức lao động, con gái đang tuổi ăn học, cả nhà không còn một xu, lại tới kỳ hạn đóng tiền nhà, thầy Kiệt như ngồi trên lửa.
Gần một tháng nằm viện, nếu không có sự cưu mang của những học trò cũ do cô Cao Thị Thanh Minh, cán bộ văn xã UBND phường Tân Quy, đứng ra vận động thì có lẽ thầy đã trốn viện để đi kiếm việc làm nuôi gia đình. Cô Minh nói ngay trong tối biết tin thầy Kiệt nhập viện, cô chỉ đi vận động một vòng mà đã được hơn 10 triệu đồng đóng viện phí. Toàn bộ số tiền này đều do phụ huynh và các học trò đã trưởng thành của thầy Kiệt gom góp.
Cô Minh nhớ lại: “Nghe mọi người cho biết trước đây thầy từng mồ côi cha mẹ, sống cùng người ba dượng đã lớn tuổi và người chị gái. Ít khi chúng tôi nhắc tới gia đình vì sợ thầy buồn, nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được tình thương chân thành của thầy với những học trò nghèo. Đó là lý do mà chúng tôi dễ dàng đi vận động mọi người hỗ trợ thầy Kiệt lúc nguy khó!”.
Khoảng thời gian khi mới nghỉ dạy ở lớp học tình thương chùa Phước Thiện, thầy Kiệt phải ra chợ Chiều phụ người ta bán hàng điện tử với một mắt mới bị mất sau phẫu thuật. Có lúc thầy phải lây lất đi phụ bán bánh ướt kiếm từng đồng lẻ mang về nuôi một gia đình ba nhân khẩu đều trông chờ vào thầy.
Hôm chúng tôi gặp thầy trong bệnh viện, còn nhớ người đàn ông xanh xao vì bệnh tật này nói: “Chỉ ước có tiền mua xe hủ tiếu gõ bán để nuôi gia đình!”. Cũng may, cô Thảo sau khi tới thăm đã mời thầy trở lại dạy học. Tuy với lương tháng chỉ 1,3 triệu đồng nhưng đó là lối ra cho cuộc sống của thầy lúc này.
Trong căn phòng trọ toàn những đồ mua từ chợ Nhật Tảo về như ba cái quạt con con, cái tivi chỉ đáng giá 100.000 đồng và những đồ dùng cũ nát khác, chúng tôi bắt gặp thứ tươm tất nhất là chiếc áo sơmi trắng cũ kỹ nhưng được ủi thẳng tắp, treo cẩn thận trên móc - chiếc áo ngày mai thầy sẽ mặc đi dạy. Đó là sự chuẩn bị của cô con gái thầy Kiệt hay người chị gái trong những lúc tỉnh táo làm cho em trai. Trong căn phòng ẩm thấp, dường như đó là thứ ánh sáng đậm màu nhất mang lại hi vọng trong cuộc đời người thầy còn nhiều sóng gió...
LÊ VÂN