Tác giả Chủ đề: Dã quỳ ơi! dẫu có muộn màng ....  (Đã xem 2434 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi vicuocsongnhanloai

  • Rất Tích Cực
  • ***
  • Bài viết: 205
  • Thích 0
Trả lời #1 vào: 04-01-2011 08:47:31
Mùa dã quỳ về rồi - sao anh chưa tới? Dã quỳ rực vàng không gian, vàng rực lòng người, khiến lòng bâng khuâng vu vơ... Đó là câu hỏi cho bất kỳ ai có tình yêu với Đà Lạt, với Dã quỳ…

Giữa nhịp sống ồn ào chốn Sài Thành, đôi khi vẫn thấy nhớ nhung, thèm một khoảng lặng trong lành bình yên, thèm cái không gian nhỏ xinh và se lạnh của miền đất lạnh ấy. Và nhất là thèm một sắc vàng của Dã quỳ - loài hoa tình nghĩa chỉ nở vào mùa đông… Sở dĩ gọi Dã quỳ là loài hoa tình nghĩa, vì đây được coi là loài hoa báo nắng, đầu mùa khô luôn về đúng hẹn, thắp lên cho mùa đông lạnh buồn xứ cao nguyên một dòng nhựa sống rạo rực niềm tin…

Tôi đã phải lòng cái màu sắc mê hoặc của một thảm hoa vàng bạt ngàn dập dềnh trong gió và trong đôi mắt của người thiếu nữ xứ Langbiang, những đôi mắt biết nói cười. Trong đó cả một vòm trời cao nguyên trong xanh lộng gió, có cái mơ màng của sương quyện vào hoa, sự tự tin và mạnh mẽ như những rừng thông, và cả những yêu thương nồng nàn theo sắc nắng trên những đồi dã quỳ vàng bất tận.


Màu xanh um của lá và vàng rực của hoa cứ mở ra dọc theo hai bên đường, trên những sườn đồi chen lẫn giữa rừng thông, loang mênh mang trong lòng thung lũng... Kể cũng thật lạ. Loài hoa ấy mọc hoang dại tràn lan, từ những vệ đường bụi bặm cho đến những đồi cao trong lành dưới bóng hàng thông, neo vào lòng mỗi du khách ghé thăm để rồi gọi tên nơi đây là xứ sở của ngàn thông, ngàn hoa và dã quỳ - ấy vậy mà thật hiếm những ca khúc, vần thơ viết về những vầng mặt trời xinh xinh bé bỏng ấy. Có lẽ vì yêu, vì say, nên muốn viết về dã quỳ nhưng sợ không nói hết được về tình yêu ấy nên lặng im chăng? Có những tình yêu có thể cảm nhận được từ trong im lặng mà.

Đà Lạt mơ màng sương lạnh, khi bừng nắng cũng là nắng lạnh. Nắng vàng tươi sóng sánh rót đều xuống cỏ cây núi đồi, không mang đến cảm giác ngột ngạt, mệt mỏi và tê rát như nắng ngoài xứ Bắc mà thấy lành lạnh, se se. Có lẽ cũng bởi mang trong mình thoáng lành lạnh se se như thế, nên ở chốn này, nắng đã gom góp chắt chiu, dồn hết tình yêu của mình đọng vào trên từng cánh hoa như những vầng mặt trời xinh kia, giục Dã quỳ mở lòng ra đón lấy ánh dương, hứng trọn yêu thương từ đất trời và con người mà bừng lên, luênh loang thắp sắc vàng tràn khắp cao nguyên. Từng cánh gầy guộc, mỏng manh không mùi hương cứ rung rinh vàng lên trên nền lá xanh bàng bạc, giữa sắc xanh thẫm của rừng thông và cái xanh trong của nền trời. Tất cả những sắc xanh ấy kết thành một bức phông nền nổi lên, nhấn vào một sắc vàng xao xuyến đến nao lòng, khiến tôi bất giác nhớ đến một câu hát của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển: “Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi…”.

Có lẽ bởi không hương – nên hoa mới chạnh lòng, mượn đất cao nguyên mà vươn lên phô sắc một cách tự nhiên, mượn gió cao nguyên mà ngả nghiêng, nhấp nhô như sóng ru tình trong nắng lạnh. Thi thoảng tôi lại gặp những bụi cây gần như héo khô, đổ rạp xuống cả một dải như lúa đồng gập mình sau cơn bão lũ, nhưng sắc hoa vẫn chen lên thắp vàng mê mải…
Hai ngày trải lòng với Đà Lạt là hai ngày sắc vàng Dã quỳ ám ảnh tràn ngập, ngự trị trong tim. Dã quỳ bé nhỏ, mộc mạc trong tôi, theo tôi từ sân bay Liên Khương đến Thung lũng tình yêu, thác Prenn, Camly; từ trong khu vườn ở những ngôi biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo cho đến tận thác Pongour ở huyện Đức Trọng (cách xa thành phố Đà Lạt dễ chừng đến cả 40 km)… Tất cả mỗi bước chân của tôi trên xứ Langbiang này, đều thấy thấp thoáng, hiện hữu và được chào đón bằng những nụ cười mặt trời chúm chím vàng ươm nghĩa tình.

Tôi chia tay Đà Lạt thì trở mưa. Mưa như nhẹ rơi đầy trên mặt hồ Xuân Hương như bịn rịn, lưu luyến. Có lẽ dã quỳ giấu nắng mượn mưa để tiễn chân người về phương Nam, hẹn gặp lại vào một mùa đông năm sau. Nhất định người đi sẽ có ngày tìm về lại với mùa đông nơi đây, với sắc hoa vàng được chắt chiu từ tình yêu nồng nàn của nắng lạnh với nhịp đời nơi phố núi bình yên.

Sưu tầm