Trung thu vừa rồi có 2 bạn đã đưa quà tận nay gia đình anh Nam.
Tuy nhiên,do tuổi trẻ nên bài viết của 2 bạn này đi theo hướng tâm sự nhiều hơn là báo cáo
mọi người chịu khó đọc nha,phần báo cáo mình sẽ liên lạc và gửi lại sau.
Thân,
Trưa 12h…trời nắng gay gắt hơn mọi khi…
Bọn mình bắt đầu hành trình “NGƯỜI TÔI CƯU MANG”, địa điểm là nhà chú Nam ở xã Lai Hưng, ấp Bến Tượng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Con đường xa xăm phía trước trong suốt chuyến đi làm mình nhận ra rằng con đường của những con người đang cần được cưu mang cũng thăm thẳm như thế, và mỗi người trên con đường ấy đang từng bước chậm chạp nhích từng bước, có thể con đường đó không xa nhưng không biết đâu là điểm dừng, bởi cuộc sống của họ chông chênh, phải chạy ăn từng bữa, hôm nay rồi ngày mai sẽ ra sao, sẽ phải như thế nào, không biết được…Trên chặng đường ấy, đã có không ít người phải ngã gục vì không có một động lực gì bảo đảm rằng họ sẽ bước đi an toàn, mọi thứ với họ là bế tắc, không lối thoát.. nhưng cũng không ít người đã cố gắng vượt lên tất cả mọi nghịch cảnh của cuộc đời, để chống chọi với cái nghiệt ngã của cuộc sống mà ông trời đã ấn định để bước đi…Đã không ít người như thế đấy...vâng, đó chính là *CON ĐƯỜNG ĐỜI…*
Sau 3h chạy xe không ngừng nghỉ, tìm và hỏi đường đầy gian nan. Cuối cùng thì bọn mình mới tới nơi, đó là một ngôi nhà nhỏ, nằm sâu trong một con đường đất đỏ bé nhỏ và đầy khó khăn trong việc đi lại.... Không gian trong nhà khá nhỏ chỉ chứa được 1 chiếc giường,1 vài cái ghế nhỏ, và 1 chiếc ti vi. Hơi lạnh, và vắng ngắt, bởi không gian chung quanh là rừng cao su, cảm giác trống trải đứng giữa ngôi nhà như sự vắng lặng trong lòng một con người tật nguyền đang từng ngày đối chọi với bệnh tật, khó khăn của cuộc sống…Nhưng nếu chịu khó lắng lòng lại để cố gắng cảm nhận những gì mà cuộc sống đã ban tặng thì không hề trống trải một chút nào vì đâu đó, giữa sự tĩnh lặng của những ngày lặng lẽ kia là đầy ắp tiếng cười trẻ thơ…những tiếng cười đùa hết sức hồn nhiên và ngây thơ. Để cho chúng tôi nhìn một người cha như thế rồi nhìn lại ba đứa bé thật sự 1 câu hỏi lớn hiện hữu mãi : “Rồi ngày mai các em sẽ ra sao, ra sao giữa bộn bề cuộc sống???..”
“Tụi cháu chào chú !” …
Đáp lại là một nụ cười thật tươi…
Tiếp chuyện với bọn mình là người đàn ông ở độ tuổi trung niên đã bị liệt gần như là toàn thân ngồi trên chiếc xe lăn, chỉ còn 2 tay là có thể cử động được…Bắt đầu câu chuyện là sự tái hiện lại nỗi đau của 4 năm về trước… Ngày ấy, chú làm kĩ thuật viên cho một công ty phần mềm máy tính ở thành phố HCM,là trụ cột gánh vác mọi việc trong ngoài của gia đình, sau một thời gian thì công ty phá sản và giải thể, cắt hết hợp đồng của tất cả nhân viên và buộc họ phải thôi việc. Chú trở về Bình Dương bắt đầu cuộc sống mưu sinh cùng với vợ và ba người con…Trong một lần đi thuyền để mua phân bón và tro bón cho cây, do không quen việc đi lại trên thuyền, nên khi có sự va quẹt giữa hai thuyền, sóng sánh và chú ngã nhào xuống sông…một kết thúc buồn nhưng cũng là thật may mắn vì chú đã giữ được tính mạng quý giá của mình… Chú bị chấn thương ngay đốt sông cổ và dường như liệt toàn thân, tưởng gần như đã nằm gọn trong tay tử thần bởi những chuỗi ngày sau đó là sự đau đớn, vật vã trên giường bệnh. Toàn thân lở loét và ăn sâu tới xương vì gia đình không biết cách chăm sóc cũng như không có tiền để chạy chữa, cùng với sự hoành hành của những cơn đau đầu do chấn thương thần kinh, tay chân đều không cử động được…..Chống chọi với căn bệnh đã đành, nhưng nào đâu có yên , giữa bộn bề đó, giữa nỗi đau hỗn độn đó, chú đau luôn cả nỗi đau của vợ và con, đau khi nghĩ rằng mình là chỗ dựa gia đình nay là gánh nặng cho vợ con, thương cho con còn quá nhỏ, và xót cho vợ phải thay thế gồng gánh trách nhiệm cho mình và kể cả việc chăm sóc cho mình từng chút …Chia sẻ với bọn mình: “Lúc ấy chú chỉ ước rằng ông trời cứ cho mình ra đi có lẽ sẽ thanh thản hơn cho cả người đi và kẻ ở lại, không còn chứng kiến được nỗi đau của bản thân và của gia đình, sau này ngồi được rồi cũng không lắm lần muốn tự giận vì cảm thấy mình bất lực, không giúp ích gì được cho ai.Thế rồi, vợ chú lúc nào cũng kế bên chia sẻ và đông viên..”.Nói đến đây tôi cảm nhận được rằng ít ra chú cũng còn một món quà tặng vô giá mà cuộc sống đã ban tặng là người bạn đời, đó là người vợ. Kể từ ngày chú ngã bệnh, cô thay chú gánh vác mọi việc trong ngoài, chăm sóc con, lo cho chồng và đảm đương luôn cuộc sống mưu sinh của gia đình từ những đồng lương ít ỏi bằng việc đi cạo mủ cao su, lúc nghỉ ngơi thì lại tìm rau rừng về nấu cho bữa cơm đạm bạc… “Anh đừng bi quan, em sẽ cố gắng sống với anh suốt cuộc đời này”, đó là lời chú đã chia sẻ khi nhắc về vợ đầy niềm tự hào. Sau những chuỗi ngày nằm bệnh viện và chạy chữa một phần nhưng không khỏi chú trở về nhà, được sự giới thiệu một loại lá cây đem giã nhuyễn rồi đắp vào người sẽ lành các vết lở, và không thể không nhắc đến ngoài sự kì diệu của loại thuốc này là sự chăm chỉ và kiên nhẫn của người vợ ngày ngày cận kề. Sau gần nửa năm cơ thể gần như lành lặn, từ đó đã tiếp thêm cho chú tinh thần và nghị lực sống, cố gằng vươn lên làm chỗ dựa tinh thần cho vợ và con. Chú không ngừng nhắc nhở về cái tổ ấm nhỏ của mình, xen lẫn là những nụ cười thật tươi, thật mãn nguyện. Giờ chú chỉ ở có thể coi các con học hành, một phần vì cũng không đủ sức khỏe nhưng vẫn thấy một sự khao khát được sống.. “bây giờ chú đỡ nhiều rồi, cần thấy mình phải sống vì các con…”…dạt dào tình thương…
Chia sẻ một chút về hoàn cảnh, ban đầu khi bệnh thì gia đình chú ở cùng nhà với ba mẹ và một người anh cùng năm đứa cháu. Nhưng do bệnh tật, ở chung lắm lúc cũng gây phiền toái. Chú quyết định ra riêng sau khi xin được một mảnh đất nhỏ của ba mẹ. Như một duyên may, sau một lần than phiền với người bạn. Chú đã đến được với “Người tôi cưu mang”, và chương trình đã hỗ trợ cho chú một khoản tiền để dựng một cái nhà nhỏ đơn sơ phía sau, dần rồi địa phương cũng biết đến hoàn cảnh khó khăn của chú. Một năm sau đó, chú nhận được một căn nhà tình thương. Theo lời của chú kể lại mà không khỏi nghẹn ngào: “Ngày nhận được ngôi nhà mới, chú đã rơi nươc mắt, mừng lắm, không ngờ cả đời mình lại được căn nhà đầy tình thương như vậy, bà con lối xóm và những người mà chú chauw bao giờ gặp mặt đã tới chúc mừng đầy kín cả góc sân…”. Rồi từ đó, cuộc sống của gia đình có nhiều thay đổi, chú sống lạc quan hơn trước, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè gần xa và địa phương, và không thể không kể đến là chương trình “Người tôi cưu mang”. Chú chia sẻ “Nhờ có chương trình này mà chú được một khoảng tiết kiệm để dành lo cho các con ăn học vì chúng ngày thêm lớn…mà trong khi chú lại mất sức lao động…”.Từ đó kinh tế gia đình tuy có khó khăn vì chỉ có cô là lao động chính nhưng đã khả quan hơn trước vì đã có một khoản tiết kiệm. Không cầm lòng được khi chú chia sẻ: “Giờ chú không uống thuốc nữa vì ngày tốn mất trăm mấy mà có uống thì nghĩ bệnh tình cũng vậy, chú sẽ có dư ra khoản đó mà tiêt kiệm thêm lo cho con. Rồi chú tự ở nhà mày mò sách dạy bấm huyệt, rồi tự bấm cho mình, khi nào mệt thì cố gắng bấm thấy cũng đỡ lắm, ăn được, ngủ được mà khỏi phải tốn tiền. lại còn có thể giúp đỡ các cụ già đau lưng,khó ngủ trong xóm,….”
Nhận được món quà nhỏ mà thấy thật sung sướng, nhất là ba đứa trẻ, có lẽ tuổi thơ chúng không được êm đềm vì tai nạn của cha xảy ra khi chúng còn quá nhỏ…có lẽ vậy…chúng lớn lên cùng nước mắt và những giọi mồ hôi của mẹ, cùng bệnh tật của cha thì còn đâu là tuổi thơ ngọt ngào như bao trẻ em khác…Thấy lồng đèn ,bánh trung thu, ba em cứ mân mê mãi, cố gắng để chạm vào cho bằng được..Cô chia sẻ: “Mấy hôm nay, bọn nó cứ bảo sao sắp tới trung thu rồi mà mẹ không mua lồng đèn cho tụi con chơi, sao không có bánh trung thu gì hết vậy mẹ…”. Câu hỏi đối với trẻ thơ là diều hết sức bình thường, chúng khao khát, chúng ước muốn nhưng đối với người lớn là cả 1 sự xót xa : “Chạy ăn từng bữa thì đâu ra lồng đèn và bánh hả con…”..Và cuối cùng thì ước muốn nhỏ nhoi của các em nhân dịp tết trung thu đã trờ thành hiện thực do bàn tay nhân ái, những tấm lòng từ thiện của “Người tôi cưu mang”, không lớn lao, không cầu kì nhưng ấm áp tình người, đó là một sự ủi an, một sự động viên, khích lệ cho gia đình chú và các em. Nhìn các em ngây thơ, hồn nhiên sung sướng mà mình cũng thấy nao lòng…
TẶNG QUÀ TRƯỚC KHI RA VỀ
Chào các em, chào cô chú bọn cháu ra về !!!
“Lòng chúng tôi bùi ngùi xúc động, không muốn ra về. Để còn được chú tiếpỉ thêm về nghị lực sống trong cuộc đời này.”
Trời chiều mát lạnh do hơi nước bốc lên từ cơn mưa đã qua hay những cơn mưa đang kéo về, trong long chúng tôi nghĩ miên man về một con người, một gia đình, và những nụ cười của bọn trẻ. Tuy người cha tật nguyền nhưng tấm lòng, tình yêu thương dành cho vợ và con là bao la. Còn người vợ, người mẹ thì cũng tuyệt vời hơn ai hết ở đức hi sinh cho chồng và lo lắng cho con, và bên cạnh đó là sự yêu thương nhau của những đứa trẻ,…và không thể không kể đến tình thương của các bàn tay nhân ái đang bao trùm cái tổ ấm nhỏ nhoi đó.
Như bạn thấy đó, họ đã sống, đã chống chọi với nỗi đau cái chính không phải bằng cơm, bằng lương thực hay thuốc thang mà bằng tình thương yêu giữa người và người…sự tương trợ, đùm bọc lẫn nhau trong những lúc tưởng chừng như là ngặt nghèo nhất của cuộc đời.Lòng yêu thương và nhân ái đã tiếp thêm niềm tin sự sống…
Vậy thì bạn ơi dù cuộc sống hiện tại của bạn thế nào đi chăng nữa thì hãy luôn nghĩ rằng vẫn còn rất nhiều mảnh đời đang cần được sự cưu mang, sự giúp đỡ từ bạn, họ vẫn đang khốn khó hơn bạn …và cũng đừng bao giờ bi quan về những điều nhỏ nhoi của cuộc sống. Vì cứ thử bước quanh một con phố nhỏ, bạn sẽ thấy vẫn còn nhiều người đang từng ngày, từng giờ vươn lên nghịch cảnh của cuộc đời để tìm thấy niềm vui của cuộc sống…Bạn nhé…
HÃY BƯỚC ĐI ĐỄ CẢM NHẬN, ĐỂ BIẾT YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN…
NIỀM VUI XEN LẪN SỰ XÚC ĐỘNG
Trần Nguyễn Thảo Nguyên + Bicbui thực hiện…