Chào cả nhà,
Có thể coi đây là tin vui vì chính tả đang được các cơ quan chức năng coi trọng. Mời các bạn xem hai bài viết theo các đường link sauhttp://www.tienphong.vn/Thoi-Su/508184/Tran-lan-loi-chinh-ta-tieng-viet.htmlhttp://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=198784Chính tả tiếng Việt đang báo độngViện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty CP Truyền thông và Công nghệ VieGrid, hôm nay, 28-7, vừa công bố báo cáo Tình hình chính tả văn bản tiếng Việt. Theo đó, tỷ lệ lỗi chính tả trung bình của văn bản tiếng Việt là 7,79%, cao gần 8 lần so với chuẩn 1%.
Những con số biết nóiTS Nguyễn Ái Việt, Phó Viện trưởng Viện CNTT, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong tháng 6 vừa qua, nhóm tác giả đã thống kê trên 67.000 mẫu của 177 tổ chức, lựa chọn phương pháp thống kê với tập lỗi điển hình đưa ra bảng xếp hạng của 132 tổ chức, đơn vị. Tập lỗi dùng để đánh giá trong đợt này được chọn từ một số lỗi phổ biến như: bổ
xung,
sử lý,
xử dụng,
sáng lạn, cọ
sát,
soi mói,
thăm quan…
Kết quả là các từ có tỷ lệ lỗi cao nhất là “soi mói” với 74,33%, “sáng lạn” 41,66%, “cọ sát” 28,38%, “thăm quan” 20,61%...
Đơn vị có nhiều lỗi nhất là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm 38,46%, tiếp đến là Viện Năng lượng nguyên tử 31,49%. Đơn vị có ít lỗi nhất thuộc về ngành ngân hàng: Ngân hàng ACB 0,34%, tiếp đến là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 0,49%. Trong top năm đơn vị ít lỗi nhất còn có: Ngân hàng BIDV 0,5%, Ngân hàng Nhà nước 0,81%.
Khu vực báo chí và truyền thông có tỷ lệ lỗi chính tả cao nhất, gần mức báo động 10%. Khu vực Đại học và Viện nghiên cứu có tỷ lệ lỗi xấp xỉ mức trung bình của xã hội, chưa phát huy được sự mẫu mực và tiên phong trong vấn đề dùng chữ nghĩa.
Đặc biệt, cả hai khu vực này đều có các đại diện có tỷ lệ lỗi vượt mức 30%. Cụ thể, tỷ lệ lỗi của Đài Tiếng nói Việt Nam lên đến 30,15%, báo điện tử PV là 28,4%, Viện Năng lượng nguyên tử 31,49%, ĐH Đà Nẵng 21,67%...
Khu vực chính quyền địa phương, và các cơ quan thuộc chính phủ, thuộc Bộ có tỷ lệ lỗi chính tả khá cao. Đặc biệt, có đơn vị có tỷ lệ lỗi gần 40% như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay cả các khu vực khá nhất là doanh nghiệp và các Bộ vẫn còn phải tiếp tục cải thiện chất lượng để có thể đạt được mức 1%. Đáng ngạc nhiên là bộ có tỷ lệ lỗi cao nhất lại thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 7,47%. Địa phương nhiều lỗi nhất là TP Hồ Chí Minh với 18,98%.
Tiếng chuông báo động
Trước khi đánh giá chất lượng chính tả văn bản tiếng Việt, nhóm tác giả đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ trong hai nhóm Chuyên gia ngôn ngữ và Chuyên gia CNTT: Nhóm chuyên gia ngôn ngữ yêu cầu tỷ lệ lỗi chính tả trong văn bản Việt phải là dưới 1%. Nhóm chuyên gia CNTT chấp nhận tỷ lệ này trong khoảng 2,5-5%. Cả hai nhóm chuyên gia đều nhất trí cho rằng báo chí và truyền thông có trách nhiệm nhiều nhất đối với tình hình chính tả tiếng Việt.
Tuyệt đại đa số các chuyên gia cũng cho rằng tỷ lệ 10% là ngưỡng báo động đối với các lỗi chính tả và 30% là ngưỡng mà một lỗi chính tả đã trở thành một cách viết có thể đồng thời được chấp nhận.
Theo đề nghị này, từ “soi mói” đã trở thành từ đúng với tỷ lệ sử dụng hơn 74%, “sáng lạn” có thể xem như một cách viết tương đương với “xán lạn” do đạt tỷ lệ sử dụng gần 42%. Các lỗi “cọ sát”, “thăm quan” đều đến mức báo động đỏ.
Theo báo cáo này, Báo Nhân Dân xếp thứ 50 trong tổng số 132 đơn vị được xếp hạng với tỷ lệ lỗi là 3,2%, chưa bằng một nửa mức lỗi trung bình của toàn xã hội.
Theo TS Nguyễn Ái Việt, kết quả nói trên đã phản ánh tình hình báo động của chính tả tiếng Việt. Nhóm tác giả mong muốn giúp toàn thể xã hội và các đơn vị được xếp hạng bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chính tả tiếng Việt. Các đợt đánh giá tiếp sau sẽ được tiến hành ba tháng một lần và sẽ liên tục được mở rộng về quy mô để hậu thuẫn cho một chiến dịch cộng đồng về quét lỗi chính tả.
Cũng trong sáng nay, bà Lê Ngọc Hồng, Tổng giám đốc VieGrid đã công bố website xếp hạng văn bản tại địa chỉ
www.xephangvanban.com. Theo bà Hồng, từ nhiều năm nay, VieGrid đã phát triển các phần mềm xử lý tiếng Việt và cùng với Viện CNTT, các nhà ngôn ngữ học xây dựng bản báo cáo này để gióng tiếng chuông đầu tiên tuyên chiến với nạn lỗi chính tả tràn lan hiện nay trong tiếng Việt.
“Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ”
Đó là ý kiến của GS, TS ngôn ngữ học Trần Trí Dõi sau hơn 30 năm nghiên cứu về chính tả tiếng Việt.
GS, ST Trần Trí Dõi.
Một nội dung đặc biệt hiện nay liên quan đến vấn đề chính tả tiếng Việt là cách viết không phân biệt i và y. GS Trần Trí Dõi nêu thí dụ: Ngay chân tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội có ghi rõ “Lý Thái Tổ”. Một trường trung học ở Nha Trang có bảng tên gọi ở cổng trường là “Lý Tự Trọng”. Nhưng sau Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục về “chính tả” thì trong sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, giáo viên và học sinh lại có thể viết là “Lí Thái Tổ”, “Lí Tự Trọng”.
Ở trường hợp này, theo GS Trần Trí Dõi, sự tương phản giữa tên gọi thực tế và cách dùng ở sách giáo khoa gây cho học sinh tác dụng tiêu cực. Học sinh sẽ “hàng ngày được làm quen với một thực tế bất nhất giữa cách dùng trong sách giáo khoa và thực tế”. Và với sự bất nhất này sẽ gây cho các em học sinh thói quen nhờn với những gì được coi là “chính thức”.
“Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, để chúng ta nói và hành động. Công cụ đó không chuẩn thì làm sao làm việc chuẩn được? Tôi cho rằng sự lộn xộn của xã hội có tác động của vấn đề lộn xộn trong ngôn ngữ”, GS Trần Trí Dõi.
Theo GS Dõi, trong vòng 20 năm, chúng ta đã liên tiếp ban hành những quy định khác nhau về văn bản tiếng Việt, một vấn đề mà đáng ra phải được thống nhất ngay từ đầu.
Ngày 1-7-1983, Hội đồng “Chuẩn hóa chính tả” và “Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ” đã ký chung một Quyết định có nội dung về “Những quy định về chính tả tiếng Việt”. Một năm sau đó, chúng ta có Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt. Đến năm 2002, chúng ta lại có “Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới” và 2003 có thêm “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa”.
Ngoài ra, Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam trong Hội nghị toàn thể ngày 3 và 4-5-2000, sau khi lấy ý kiến của các ủy viên Hội đồng và được Ban thường trực thông qua, cũng đã ban hành “Quy tắc chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài” của tiếng Việt của riêng mình.
Rồi nữa, do tính “nhiều quy định” như vậy, Bộ Nội vụ vào tháng 6-2006 đã phải đưa ra một “Dự thảo” về “Quy định về viết hoa và phiên chuyển tiếng nước ngoài trong văn bản” tiếng Viêt nhằm dùng nó trong địa hạt hành chính.
Rõ ràng, tình trạng nhiều quy định đã nói lên rằng chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa được thật sự sử dụng thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt. Theo ông, đã đến lúc chúng ta cần ban hành Luật Ngôn ngữ để có quy định thống nhất về vấn đề này.
“Trong điều kiện trình độ ngôn ngữ học và kỹ thuật của CNTT nước ta đã phát triển, yêu cầu xã hội cấp bách về chuẩn hóa ngôn ngữ là có thể đáp ứng được. Vấn đề là chúng ta phải đồng thuận và biết cách tổ chức thực hiện một cách có trách nhiệm và khoa học”, GS kết luận.