Tác giả Chủ đề: Lớp học hai ngàn đồng  (Đã xem 6235 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Bud

  • bạn
Trả lời #1 vào: 27-05-2010 11:34:21
Lớp học hai ngàn đồng 26/05/2010 20:42
Giác Ngộ - Những đôi mắt sáng long lanh đang chăm chú vào những con chữ trên trang sách. Lớp học bé tẹo chỉ chứa khoảng chừng 15 học trò nhỏ hướng mặt ra ngoài khung cửa sổ để hứng lấy ánh sáng mặt trời. Lớp chẳng có bảng đen, phấn trắng, nhưng ở đó học trò được cô giáo chăm chút với tình yêu thương và tận tụy. Và, ở lớp học đó, tất cả những học trò nhỏ trìu mến gọi cô giáo bằng một từ rất đỗi thân thương: \\\"Cô Hai\\\"…


Một đời gieo chữ

Lớp học bé tẹo nằm trong con hẻm nhỏ của đường Phạm Thế Hiển, P.5, Q.8 với 4 cái bàn cỏn con, xiêu vẹo và hơn chục trẻ nít làm nên một lớp học đơn sơ. Lớp học không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ là những câu giảng bài, những cái nhìn ấm áp của cô giáo chăm chút cho từng đứa trẻ. Nơi ấy cũng là gian nhà nhỏ của cô giáo mà những học sinh nghèo thân thương đến đó mỗi ngày. Dù trời nắng hay mưa, lớp học bé tẹo ấy mỗi sáng, mỗi chiều đều ồn ã tiếng líu lo của những đứa trẻ nghèo ê a con chữ.



Chăm chút cho em từng nét chữ

Cô giáo Tuyết (68 tuổi), pháp danh Chơn An Thoại vẫn thân thương và cần mẫn níu giữ những bước chân nghịch ngợm của trẻ thơ nơi xóm nghèo phường 5, quận 8 này. Vì lẽ, nếu buông tụi nhỏ ra, có khi làm hỏng tụi nó mất thôi. Và vì một lẽ, đời mình đã trót mang nghiệp giáo rồi thì dù có cực, có rát khản cả giọng với tụi nhỏ thì đó cũng là hạnh phúc, niềm vui của cái nghiệp đã chọn. Cái nghiệp đó cũng đã an ủi cho cô giáo khi những đứa trẻ nghèo biết chữ và thành người.

Xuất thân từ cô giáo dạy lớp thực nghiệm của một trường THCS quận 8, nghiệp giáo và cuộc đời xô đẩy, cô buộc mình phải về hưu sớm để ra ngoài làm ăn giúp đỡ gia đình. Nhưng rồi, nghiệp gieo chữ như đeo đẳng. Lận đận, bôn ba, cô lại gắn cuộc đời mình với những đứa trẻ nghèo. Cô nói: \\\"Cuộc đời tôi vốn là một người chịu nhiều khổ cực nên tôi rất hiểu và cảm thông cho tụi nhỏ. Cái nghèo đói ở quê rất khác với ở chốn thị thành. Ở quê dù nghèo đói thì ra đồng cũng tìm được cái để ăn nhưng để thoát cái đói ở chốn này thì cần phải có tiền. Tụi nhỏ nghèo ở đây muốn đến học thêm ở những nơi khác cũng cần phải có tiền mà cha mẹ chúng lại rất nghèo. Và, còn nhiều đứa học trò mồ côi nữa, việc học của tụi nhỏ nếu không được quan tâm đúng mức thì sẽ rất tội…\\\".

Lớp học của tụi nhỏ bắt đầu từ 9g đến 11g (buổi sáng) và 16g đến 18g (buổi chiều) nên để giải quyết cho cái bụng đói meo của tụi nhỏ, cô giáo phải mua bánh mì rẻ rồi cắt khúc để dành, có khi là cái bánh ngọt, những trái chuối. Đứa nào thấy đói thì cô giáo cho ăn tạm để có sức mà học tiếp. Học trò từ chuẩn bị vào lớp 1 cho đến lớp 4 học chung với nhau, chính vì thế cô giáo không bao giờ nhận học trò nhiều để dễ chăm cho từng đứa một.

Cô Tuyết nói, lớp học của cô kèm cho từng đứa nên mỗi đứa trẻ học ở đây đều phải tiến bộ. Thiệt thòi của các em là những đứa trẻ con nhà khó khăn không đủ điều kiện để học ở các lớp khác nên mới tìm đến lớp này. Cô chăm cho từng đứa một nên có nhiều em là học trò kém trở thành học trò giỏi. Nhờ thế, ở lớp chính quy các em không bị thua sút và mặc cảm với bạn bè.

Dạy vần \\\"thương\\\" và \\\"yêu\\\"

Giải thích cho lớp học lạ lùng vì sao có chuyện mỗi đứa trẻ đến lớp nộp cho cô giáo 2 ngàn đồng/ngày/em, cô giáo nói vui đó là lớp học không phải \\\"lớp tình thương\\\" mà là \\\"lớp tình yêu\\\". Cô nói đó là chia sẻ khó khăn với cha mẹ chúng, vì nghèo nên không có tiền đóng hàng tháng mà phải góp từng ngày. Và, để cho tụi nhỏ không phải mặc cảm đến lớp học này vì mình là con nhà nghèo. Đa số các em đều sống trong gia đình quá khó khăn, có đứa phải ở nhà thuê, cha mẹ chạy ăn từng bữa. Có đứa mồ côi phải sống với ông bà nên chuyện để có tiền đi học thêm, học kèm như thế này là điều rất khó.



Em học vần “Thương và yêu”

Em Kiệt, chuẩn bị vào lớp 1 vì gia đình tan vỡ nên em theo mẹ lên thành phố ở nhà trọ. Mỗi sáng, em theo bạn đến lớp học chữ, đánh vần để năm nay được vào lớp 1. Em Võ Hoàng Trung Vĩnh, học lớp 4, mồ côi cha mẹ, nhưng mỗi ngày đều đến lớp học chăm chỉ. Hiện nay, em ở với bà ngoại, vì không có ai chăm nom nên bà gởi cho cô giáo học cả sáng và chiều để bà đi bán xôi kiếm sống.

Câu chuyện hoàn cảnh của những đứa trẻ nghèo ở quanh đây ai cũng biết, có đứa ham chơi vì không được cha mẹ quan tâm, dạy dỗ nên đến lớp rất ngỗ nghịch. Biết vậy, nên cô Tuyết thương mà ra sức kèm cặp. Có đứa phải dùng đến đòn roi, có đứa phải dịu dàng chăm sóc, nhưng cho dù có đánh nhẹ một roi cũng phải dùng những lời hay lẽ phải mà răn dạy, tụi nhỏ mới biết mà chăm chỉ, nghe lời. Nhờ vậy, có em rất ngoan, biết thương bà già yếu và sớm cảm nhận được sự thiệt thòi của cuộc sống gia đình không trọn vẹn nên lúc nào cũng cố gắng, chăm chỉ để không phụ lòng người thân và cô giáo của mình.

Mỗi đứa trẻ đến học, cô Tuyết đều biết \\\"lý lịch trích ngang\\\" của từng em để dễ chăm sóc, dạy dỗ. Chúng tôi cảm nhận ở đây tình yêu thương được cô giáo trải rộng. Mỗi học trò nhỏ có một cuộc đời khác nhau và tuổi thơ sớm phải chịu nhiều điều thiệt. Nhưng, khi đến với lớp học, các em được cô giáo nâng niu và tùy từng hoàn cảnh mà được cô giáo giúp đỡ. Từ tập sách, có khi quần áo cho đến miếng ăn cô đều phải chăm chút cho từng em một. Như anh em Mai Đức Trọng, Mai Đức Sang đang học lớp 1 và lớp 5, nhà các em quá khó khăn, cha mẹ ở nhà thuê nên mỗi buổi trưa học xong, cô giáo xin cơm từ thiện từ các cô hàng xóm cho hai em no bụng. Hai anh em Nguyễn Hoài Phúc có hoàn cảnh quá khó khăn, ba mẹ ở nhà thuê, đi bán bánh dạo nuôi 3 anh em cũng bữa đói bữa no. Hay như em Đỗ Thị Như Quỳnh ở với nội đã già, nhà nghèo nhưng Quỳnh luôn cố gắng vâng lời cô giáo và là một trong những em học trò rất giỏi ở lớp này.

Lớp học tồn tại từ cái thuở cô giáo nhận của phụ huynh từ khi 500 đồng/em, rồi lên 800 đồng, 1.000 đồng và bây giờ là 2.000 đồng. Số tiền đó đã giúp cô trang trải tiền điện, nước và những thứ lặt vặt trong sinh hoạt của lớp. Số tiền thù lao hai ngàn đồng (có em nhà khá giả thì đóng 3 đến 4 ngàn đồng) chỉ là tượng trưng vậy thôi, chứ thật ra hơn phân nửa trẻ nghèo đến học đều được cô miễn phí hoàn toàn. Lớp học này ngoài cái chữ còn là nơi níu giữ những bước chân ngỗ nghịch biết dừng lại của những đứa trẻ chưa ngoan, khó dạy. Niềm hạnh phúc của cô giáo Tuyết bây giờ là cả lớp đều biết lễ phép, vâng lời lại học khá, giỏi ở trường.

Cô giáo Tuyết cũng chẳng nhớ mình đã dạy cái lớp học ngộ nghĩnh này từ bao lâu rồi và không nhớ bao nhiêu đứa học trò nghèo ở quanh đây đã từng qua bàn tay dạy dỗ của cô. Nhưng từ mấy năm trước, tình cờ gặp lại một học trò cũ, giờ đã là một tiến sĩ thành đạt, cô mới hay thời gian đã dài.

\\\"Cô giáo - người mẹ hiền\\\" ấy đã biết nâng niu chắp cánh bao ước mơ của những đứa trẻ thơ dại. Như cô nói, cô lấy cái sự nghèo của đời mình mà bao dung, yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu tâm tư của từng đứa trẻ kém may mắn. Đối với những học trò nhỏ, năm tháng đầu đời ấy đã qua có thể sẽ quên nhưng \\\"người đưa đò\\\" thì chưa bao giờ quên, những đôi mắt trẻ thơ của từng học trò nhỏ.


Bài, ảnh H.DIỆU