Hôm nay đọc bài này ở báo VN Express , chảy nước mắt mà không biết làm sao !!!
Những em bé với tuổi thơ nhọc nhằn
Ở bãi đá Bà Đội, hai anh em song sinh Nguyễn Văn Trắng và Nguyễn Văn Đen còng lưng gánh những gánh đá nặng tương đương trọng lượng mình. Giữa trưa nắng đổ lửa, cả hai gầy còm nhễ nhại mồ hôi.
Vùng Bảy Núi huyện Tri Tôn là nơi khai thác khoáng sản đá lớn nhất tỉnh An Giang. Hai anh em Trắng - Đen làm việc ở bãi đá Bà Đội.
Khi cặp song sinh mới lên 9 tuổi, cha mẹ bệnh nặng qua đời, cả hai ở với ông bà ngoại. Học hết lớp một, hai anh em nghỉ học vì nhà ngoại nghèo không đủ ăn. 12 tuổi, Trắng và Đen đã bắt đầu cuộc sống lăn lộn ở các bãi đá kiếm miếng ăn qua ngày. Mỗi ngày thay nhau gánh cả mét khối đá đi quãng đường dài, mỗi đứa được trả 40.000 đồng. “Nhiều lúc mệt muốn gục xuống nhưng phải gắng đứng dậy. Hai anh em nếu đứa này đổ bệnh thì đứa kia không nuôi nổi”, Trắng nói.
* Trẻ thơ nhọc nhằn mưu sinh
Ở lò gạch Hai Chiến tại huyện Châu Thành, An Giang, ba em nhỏ đang cùng đẩy một chiếc xe đưa gạch từ ngoài đồng vào lò. Một em mặt mày lấm lem bùn đất cố gượng người về phía trước lê từng bước chân nặng nhọc, ỳ ạch kéo chiếc xe chở đầy gạch. Bà Nguyễn Thị Tư, người thuê nhân công chuyển gạch, ngói sống vào lò nung, cho biết, xóm này có hơn 10 đứa nhỏ từ 13 đến 15 tuổi đi làm gạch. Nhiều em phải đi làm để phụ giúp gia đình quá khó khăn.
Các em bé phải bỏ học, đi cõng gạch thuê để kiếm vài chục nghìn đồng về nhà phụ giúp bố mẹ. Ảnh: Tiến Thùy ( DT chưa biết cách post ảnh )
Chỉ tay về phía ba đứa trẻ, bà Tư nói: \\\"Như thằng nhỏ tên Lý kia, cha bệnh nặng không tiền thuốc men, nó phải cùng mẹ suốt ngày đi làm gạch\\\". Mỗi ngày làm, Lý kiếm được 20.000 đồng phụ vào cho gia đình lo miếng ăn trong ngày. Mới 15 tuổi nhưng Lý đã nghỉ học đi cõng gạch 3 năm rồi, đôi tay to đùng và nhiều vết trầy xướt trên bàn tay. Năm nay, thằng em là Tú mới 13 tuổi cũng bỏ học để theo mẹ và anh trai đi cõng gạch.
Dọc bờ kênh Chắc Cà Đao ở thị trấn An Châu là khu vực tập trung lò gạch nhiều nhất huyện Châu Thành. Khi mặt trời vừa xế bóng, chiếc ghe to đùng từ từ cập bến ngay dưới chân cầu Giáo Xứ. Lập tức, hai chú nhóc Thịnh, Tâm ào ra cõng gạch đã nung xếp lên ghe. Em Nguyễn Hoàng Thịnh mới 12 tuổi, đang học lớp 4 nhưng cũng tranh thủ thời gian rảnh đi cõng gạch kiếm tiền giúp cha mẹ. Thân hình bé nhỏ nhưng mỗi lần em cõng đến 36 viên gạch chất từ thắt lưng lên tới đỉnh đầu, bước đi loạng choạng. “Con thích đi học chữ lắm nhưng nhà nghèo quá nên cha mẹ không cho con đến trường. Nhìn thấy mấy bạn khác đến trường mà con thèm, muốn rơi nước mắt”, chú nhóc nói
Nguyễn Văn Bạc ở xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang, mới 13 tuổi nhưng đã có thâm niên làm cửu vạn nhiều năm. Cha mẹ đi làm mướn cả năm mới về nhà một hai lần. Ở nhà, Bạc phải tự lo lấy thân. Từ miếng ăn giấc ngủ đến việc mưu sinh, một mình chú bé phải cáng đáng. Hàng ngày, Bạc lang thang trong khu dân cư, ai sai gì làm nấy, làm xong bà con cho ăn cơm. Bữa nào không có người sai việc là nhịn đói, vì nó bắt đầu lớn, xin ăn thì mắc cỡ.
Trong căn nhà của Bạc, tối om, chỉ có một manh chiếu và tấm mùng đen nhẻm. Cách chỗ ngủ vài bước chân là cái bếp lạnh lẽo, có hai cái xoong nhỏ treo tòng teng, chẳng thấy cơm cháo, gạo thóc gì. Bạc bộc bạch mong lớn mau để đi làm thuê kiếm sống như cha mẹ.
Theo số liệu của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em An Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 trẻ vào đời lao động sớm. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội An Giang, cho biết việc trẻ em phải lao động sớm, công việc nặng nhọc là thực trạng nhức nhối ở địa phương nhiều năm qua chưa giải quyết được. Từ năm 2009 đến nay, Sở Lao động An Giang đã mở 8 lớp dạy nghề nhưng chỉ giải quyết việc làm cho 205 em.
Tiến Thùy - Gia Bảo