Tác giả Chủ đề: Câu chuyện bát mì  (Đã xem 4124 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi ice box

Trả lời #6 vào: 03-08-2012 13:29:57
Sự tích truyền khẩu thời Pháp thuộc

    \\\"Có một gia đình nọ - như phần đông các gia đình nghèo ở quê mình - có 4, 5, hay 6,7 đứa con gì đó, nhà nghèo lắm, bữa ăn hàng ngày chẳng có gì ngoài một nồi cơm độn khoai, một ít rau luộc, và một bát nước mắm....Người cha nghĩ ra một cách đẽo một con cá bằng gỗ, sơn phết vào trông y như con cá rán. Hàng ngày đến bữa cơm, ông treo con cá lên xà nhà, quy định với mấy đứa con, mỗi bát cơm chỉ được nhìn vào con cá, chép miệng 3 cái, coi như đã được ăn cá rán - và chỉ được chép miệng đúng 3 cái, không được hơn.

    Một hơm đứa con út của ông lỡ miệng chép 4 cái, thằn anh nó ngồi bên cạnh trông thấy vội mách bố:

- Bố ơi, thằng Út chép miệng 4 lần.

- Thằng này hư. Mày ăn mặn thế, cho mày chết khát, con nhá...\\\"

        Sự tích Cá Gỗ nhiều giai thoại, nhưng toát lên trong đó tính chịu thương chịu khó của muôn ngàn thế hệ các Ông Đồ nghèo xứ Nghệ lai kinh ứng thí. Thuở xa xưa lai kinh ứng thí phải đi bộ lều chõng hàng tháng ròng, thậm chí có ông đi trước vài ba năm để bổ túc thêm những hiểu biết sâu rộng về thiên hạ mà trong các quyển kinh không nói hết. Trên đường đi các ông vừa kết hợp dạy chữ cho các môn sinh dọc đường để lấy tiền trang trải cho chuyến lều chõng. Có nhiều ông còn bén rễ xanh cây với các tiểu thư đài các con các quan lớn đồng hương được bổ nhiệm nơi đất khách, hoặc các thôn nữ chị em của môn sinh. Nghe nói Cụ Nguyễn Khuyến cũng có sự tích gần gần như vậy. Trong chuyến lai kinh ứng thí có biết bao con cái nhà giàu mang theo nhiều tiền bạc hòng đút lót quan trường nhằm kiếm chút danh lợi. Lẽ đương nhiên là khi thấy các ông Đồ Nghệ chiếm hết bảng thì ghen tức và dựng lên những câu chuyện để khích bác, dèm pha, trong đó có chuyện Con Cá Gỗ.
Nhưng chuyện đời không như ý kẻ dựng chuyện. Với danh xưng Cá Gỗ, các ông Đồ Nghệ càng quyết chí học cao để chứng minh cho thiên hạ ý chí của mình. Kết quả là Danh sách các ông Đồ Nghệ chiếm bảng vàng ngày càng đông.
Đó chính là niềm kiêu hãnh được truyền từ đời này qua đời khác đến mãi muôn đời!

Đây là những mẩu truyện mình thấy rất tâm đắc. Hy vọng cả nhà mình sẽ thấy hay và ý nghĩa.

 


Ngủ rồi ice box

Trả lời #5 vào: 03-08-2012 13:24:28
Còn về những sự tích qua các thời kì khác nữa nè.
Sự tích thời bao cấp trước 1975

Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một cậu học trò xứ Nghệ học học giỏi lắm, nhưng nghèo lắm...Tuy nghèo, nhưng cậu vẫn quyết tâm đi thi đại học để mong kiếm lấy mấy cái kiến thức về giúp quê hương. Nhà nghèo, mỗi lần từ quê lên thành phố học tiếp, cậu chẳng có tiền mua vé tàu, chỉ xin đi nhờ. Đến bữa, cũng chỉ có mo cơm trắng mẹ gói cho. Cậu bèn nghĩ ra một kế. Cậu lôi con cá gỗ do cậu đẽo lấy, đã được sơn phết trông như cá thật, bỏ vào cái đĩa, rồi cậu đi đến chỗ mấy người đang ăn cơm nói rất lễ phép:

-Thưa bác, bác có thể cho cháu xin chút nước mắm để cháu ăn con cá rán này với cơm được không!

Và cứ như vậy cậu đã học xong 4 năm 1 cái bằng đại học chính quy, và nghe đâu sau này cậu còn học thêm mấy cái bằng ĐH tại chức nữa, vẫn với con cá bằng gỗ ấy....

 


Ngủ rồi ice box

Trả lời #4 vào: 03-08-2012 13:20:38
Một sự tích khác thời phong kiến

      Có một trò nghèo đi ra bắc đi thi, hành trang mang theo gồm sách, bút, lọ mực, vài bộ quần áo, đùm cơm, lọ muối vừng, mấy quan tiền và 1 con cá gỗ. Đi từ xứ Nghệ qua xứ Thanh, cơm đùm đã vơi, muối vừng đã cạn, anh chàng nghỉ dừng chân nơi mô là vô quán xin họ bát nước mắm: \\\"cho tui xin tí nước mắm để chấm con cá\\\", sau đó len lén ra một góc khuất nhẹ nhàng dở con cá đẽo bằng gỗ chấm nước mắm ăn với cơm ngon lành.

    Cứ như vậy anh chàng học trò nghèo đã ra đến kinh kỳ dự thi và quay về quê khi đã tiêu tằn tiện hết mấy quan tiền còm cõi và con cá gộ đã bị mòn vẹt mất khúc đuôi.

Một hôm, có phái đoàn của nhà vua về tận làng công bố kết quả Trạng nguyên, chàng học trò nghèo đã đỗ đạt, võng lọng đưa đón lên kinh kỳ nhận lộc vua ban, khi đi qua hàng cơm ngày xưa, chủ quán nhận ra đó là anh trò nghèo với con cá gộ dạo trước đi thi.

     Chàng thì không hề biết nhưng các hàng cơm đều theo dõi và truyền miệng nhau, và câu chuyện loang ra đến kinh kỳ. Và truyền thuyết về dân \\\"cá gộ\\\" có từ đó.

     Ngày nay, các nhà giàu sang, các ngài quan chức có lương tâm răn dạy con cái tấm gương bản lĩnh vượt qua nghèo đói để học tập của anh học trò nghèo xứ Nghệ để chúng noi theo.

 


Ngủ rồi ice box

Trả lời #3 vào: 03-08-2012 13:15:55
Anh My Darling nhắc đến sự tích cá gỗ của dân xứ Nghệ làm trong em lại trỗi dậy một cảm giác khó tả. HiHi. Nhớ quê đó mà anh.
Hồi đó khi lần đầu đọc câu chuyện này em thực sự rất xúc động. Xúc động vì dân quê mình nghèo mà lại có nhiều người đỗ đạt. Ai cũng thành danh, thành tài, ai cũng có ý chí, nghị lực vượt trên mọi khó khăn, khổ cực.

Nhân đây em cũng xin post lên bài thơ SỰ TÍCH CÁ GỖ VÀ ÔNG ĐỒ XỨ NGHỆ. Bài thơ nổi tiếng của quê em.

SỰ TÍCH CÁ GỖ VÀ ÔNG ĐỒ XỨ NGHỆ


Năm tròn bẩy tuổi đầu
Theo cha ra Hà Nội
Biết con ai bằng cha
Đang lập loè lớp một

Cơ quan ở Ngọc Hà
Trường mượn Đinh Hữu Tiệp
Tan học băng về nhà
Ôm hơi cha ngủ thiếp

Lớp Một trong làng hoa
Hương thơm tràn trang vở
Cạnh sân xanh bóng nước
Ao làng mây trắng qua

Cả lớp toàn người Bắc
Riêng mình con Nghệ An
Hay giơ tay thắc mắc
Mà giọng thì oang oang

Cô giáo nghe không rõ
Nhiều khi xuống tận bàn
Giọng cô trong như gió
Nói chậm cho rõ ràng

Ngay buổi học đầu tiên
Đã bị nhà trường phạt
Đứng úp mặt vào tường
Trán bây giờ vẫn rát

Bữa ấy đến phiên trực
Của nhóm ngồi bàn đầu
Con trai trèo lau bảng
Con gái xếp ghế bàn

Con chỉ cái giẻ lau
Nói với hai bạn gái
Đưa hộ cái nùi trồi
Bạn lại mang mũ đến

Chuyện bắt đầu chỉ vậy
Cả nhóm ra rửa tay
Đằng ấy người mô rứa
Nói như Chi -ca - gô

Hai bạn cười ngặt nghẽo
Tóc đuôi gà cười theo
Lại còn nheo cả mắt
Lại còn dẩu cả môi

Đúng là dân cá gỗ
Giẻ lau gọi nùi trồi
Đã thế còn hay nói
Phát biểu nghe không ra

Tức thì con bốc hoả
Không nói cũng không rằng
Ngồi giữa đứng bật dậy
Gạt phăng bạn xuống ao

Con gái không biết bơi
Suýt nữa thì chết đuối
Cả lớp nháo nhào nhào
Như bầy ong vỡ tổ

Vốn là con rái cá
Của hai bờ sông Lam
Con nhào ngay xuống nước
Kéo hai bạn lên bờ

Trường mời cha đến vội
Lo lắng con mò theo
Thầy đón cha trước cổng
Ngực con trống đổ hồi

Không biết cha thưa gì
Thầy bắt tay thật chặt
Tủm tỉm nhìn con cười
Còn dắt tay vào lớp

Lớp Một ơi lớp một
Thật chẳng hiểu làm sao
Hai bạn gái ngã ao
Lại chơi thân con nhất

Trái sấu non xanh mướt
Que kem giờ ra chơi
Bạn giấu mang đến lớp
Dúi vào tay tớ mời

Mỗi lần qua trường cũ
Tôi bần thần bờ ao
Soi tìm trong bóng nước
Đôi bím tóc đuôi gà

Về nhà gạn hỏi cha
Sự tích chuyện cá gỗ
Cha cười hẹn buổi tối
Cùng nhau ra vườn hoa

Dọc đường níu tay cha
Con luôn mồm lục vấn
Cặp con toàn sách vở
Có con cá nào đâu

Xoa đầu con cha kể
Tục truyền từ ngày xưa
Có ông đồ hay chữ
Người xứ Nghệ - quê mình

Ông đồ ham học lắm
Chữ của làng hết rồi
Ông cất đường lên tỉnh
Tìm thầy toát mồ hôi

Đói cơm còn chịu được
Đói chữ thì khổ to
Trong làng người già bảo
Phải ra thị thành thôi

Tìm thuê nơi ở trọ
Cùng nhà lắm kẻ giàu
Mình áo nâu, tráp vá
Phận nghèo ăn muối rang

Học chữ thì ông giỏi
Cái nghèo giấu vào đâu
Nằm vắt tay qua trán
Suốt đêm ông ôm đầu

Hôm sau ông lẳng lặng
Mượn trăng khuya làm đèn
Lấy một khúc củi nhỏ
Ngồi gọt cả màn đêm

Thế rồi từ khúc củi
Một con cá ra đời
Một con cá bằng gỗ
To bằng ba ngón tay

Ông lật ngang lật dọc
Trổ thêm vẩy thêm vi
Con cá trông như thật
Nhìn qua chẳng biết gì

Lựa một nơi quạnh vắng
Xa tít tận ngoài đồng
Ông cho rơm bén lửa
Và đem cá lên hơ

Con cá gỗ được nướng
Toàn thân đã rộm vàng
Lưng trông như cá chép
Bụng lại giống cá tràu

Nướng xong đem rang muối
Muối mặn bám đầy vây
Trông xa tưởng cá ướp
Nhìn gần hoá cá kho

Thế rồi từ buổi đó
Cứ bữa cơm hàng ngày
Ông cho thêm nước mắm
Bày cá gỗ ra mâm

Cơm hết cá vẫn còn
Ông toàn chan nước mắm
Bạn bè không ai biết
Xong rồi cá vẫn nguyên

Cứ mỗi lần ăn xong
Nhè lúc không ai thấy
Ông bọc lá chuối khô
Giấu cá vào trong tráp

Ông ngày càng học giỏi
Không còn ai chê nghèo
Được ăn cơm với cá
Nhà trọ khối người ghen

Như cái kim trong túi
Lâu ngày cũng lòi ra
Rồi một bữa vô tình
Bị mọi người phát hiện

Hôm ấy ông lơ đãng
Hết sạch lá chuối khô
Ông vội chạy ra vườn
Bỏ cá nằm trên đĩa

Bà chủ trọ đi dọn
Vô tình đánh rơi mâm
Bát đĩa vỡ tung toé
Con cá vẫn cứng đơ

Thấy lạ bà nhặt lên
Săm soi nhìn kỹ lắm
Thì ra con cá gỗ
Của ông đồ miền Trung

Khe khẽ đặt lên bàn
Bà lặng người vào bếp
Ông thầy đồ trở lại
Trong mắt đầy bóng đêm

Từ đó khắp nhà trọ
Chuyện cá gỗ loang xa
Chuyện ông đồ xứ Nghệ
Học giỏi nhưng giấu nghèo

Rồi khoa thi năm ấy
Ông giật lèo Trạng nguyên
Sau làm quan to lắm
Thượng thượng thượng đẳng thần

Ban đêm ngồi luyện chữ
Ban ngày giải oan gia
Làm quan mà liêm khiết
Bạc đầu vì thiên thư

Ngày ông về với đất
Lương dân lập đền thờ
Cái tráp cũ vẫn cất
Con cá gỗ gầy xơ

Sự tích con cá gỗ
Là giai thoại mà thôi
Con cố học cho giỏi
Để mai sau thành người

Giọng cha tối hôm đó
Còn đượm ấm đến giờ
Trời đêm bằn bặt gió
Mắt con đầy mộng mơ

Cá gỗ ơi, cá gỗ
Là người dân đất này
Trầm mình trong đói khổ
Vẫn thả hồn gió bay

Như bát cà trắng muốt
Mặn mà và giòn tan
Như nước chè xanh đặc
Chát môi lại đậm lòng

Cần cù và học giỏi
Chịu khó lại chăm làm
Trọng nghĩa tình khí khái
Đối đầu cùng gian nan

Cá gỗ ơi, cá gỗ
Nghe vừa giận vừa thương
Giận một thời giông tố
Bạc mặt vì quê hương

Thương một thời quá khứ
Tự mình với mình thôi
Giấu nghèo như giấu nhục
Đổi đắp khoảng yên bình

Vùng đất của địa linh
Tít tắp chân trời rộng
Những người dân đất này
Chưa ngơi tay chèo chống

Sông đặt tên sông Lam
Mộng trùm xanh biển cả
Núi thì kêu rú Quyết
Chí vững tựa thạch bàn

Ôi ! Xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất vàng của xưa sau
Giữa mưa bào nắng phế
Lung linh vẫn giữ màu

Yêu thì thật là yêu
Ghét thì rành là ghét
Những người dân đất này
Không nhùng nhằng khoảng giữa

Người xứ Nghệ có lửa
Tự thuở còn sơ sinh
Muối tẩm vào măng nứa
Thích rau sống bốn mùa

Đã chơi chơi hết mình
Đã làm làm kiệt sức
Thẳng thắn và đẫm tình
Nói xong là hết chuyện

Khi vui nhường bè bạn
Khi buồn chịu một mình
Thời chiến là xung lính
Súng lằm lằm trong tay

Trung thành mà quyết đoán
Tỉnh táo đầy đam mê
Có lỗi thường nhận hết
Được thưởng ít mang về

Không nói thì ngồi im
Đã nói là nói thật
Dối trá chui xuống đất
Vẫn lật đá móc lên

Ghìm đầu vào công việc
Vẫn lo toan gia đình
Như người mặc áo gấm
Đi về lẫn vào đêm

Xứ Nghệ ơi, xứ Nghệ
Cực đoan đến vô cùng
Có rừng chen với bể
Buốt lạnh cùng nắng nung

Ai người đi ra bể
Ai người ngược lên rừng
Vẫn đậm chất xứ Nghệ
Nóng nảy đầy bao dung

Biết ngày mai gạo hết
Sấp mặt xuống luống cày
Rít thuốc lào ăn khói
Trằn mình trả nợ vay

Xứ Nghệ ơi xứ Nghệ
Hiện hình cùng miền Trung
Đã thế và mãi thế
Giữa tháng năm điệp trùng

Bây giờ con cá gỗ
Thong dong giữa đại ngàn
Nghe nói rồi hoá thạch
Lặn vào dòng sông Lam.
sưu tầm


 


Ngủ rồi My Darling

  • Người Tôi Cưu Mang
  • ****
  • Bài viết: 2.178
  • Thanked: 532 times
  • Thích 2
  • Giới tính: Nam
  • Mạng là ảo nhưng tình thương yêu là có thật!
Trả lời #2 vào: 31-07-2012 21:54:59
Nghe bạn kể câu chuyện này nên mình cũng kể luôn cho bạn một câu chuyện của người Nghệ Tĩnh . Đó là truyện Cá Gỗ .  :laugh:
Mình chỉ kể sơ qua thui . Trước kia , ở vùng Nghệ Tĩnh có một anh chàng nhà nghèo không có gì ăn với cơm cả . Thấy người ta được ăn cơm với cá . Nên anh ta thèm và về nhà đẽo một khúc gỗ thành một con cá gỗ rùi đến lúc ăn cơm thì anh ta đưa con cá gỗ đó ra với một chén nước mắm , anh ta chấm con cá gỗ vào nước mắm rùi đưa vào mút , người ta đi qua thậy vậy cũng ngỡ là anh ta ăn cá thật  :laugh: . Cứ như thế anh ta vừa ăn vừa chấm nước mắm con cá gỗ  :laugh: . Đó ka2 sự tích về con cá gỗ của dân Nghệ Tĩnh .

Hình minh họa

 


Ngủ rồi Kittydalat

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 57
  • Thích 0
Trả lời #1 vào: 22-12-2011 16:39:11
Câu Chuyện Bát Mì

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là \\\"Câu chuyện bát mì\\\". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31-12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.
                             *********
Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho nên đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới.
Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ. Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phác, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào.
Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.
- Xin mời ngồi!
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:
- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.
- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:
- Cho một bát mì.
Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau.
- Ngon quá - thằng anh nói.
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.
Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: \\\"Thật là ngon! Cám ơn!\\\" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.
Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31-12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.
- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?
- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:
- Cho một bát mì.
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:
- Vâng, một bát mì!
Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:
- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.
Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: \\\"Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!\\\".
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.
- Thơm quá! - Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá! - Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!
Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu. Đến ngày 31-12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện.
Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là \\\"200đ/bát mì\\\" và thay vào đó giá của năm ngoái \\\"150đ/bát mì\\\". Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy \\\"Đã đặt chỗ\\\".
Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.
- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:
- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?
- Được chứ, mời ngồi bên này!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy \\\"Đã đặt chỗ\\\" đi, sau đó quay vào trong la to: \\\"Hai bát mì\\\".
- Vâng, hai bát mì. Có ngay.
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi. Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?
- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần, chúng ta phải cố gắng lên!
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.
- Có thật thế không? Sau đó ra sao?
- Thầy giáo ra đề bài: \\\"Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?\\\", Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: \\\"Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc\\\". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa.
Lại còn: \\\"Vào tối 31-12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn\\\". Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: \\\"Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!\\\".
Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.
- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?
- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: \\\"Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vã về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con\\\".
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!
Lại một năm nữa trôi qua. Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy \\\"Đã đặt chỗ\\\" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện. Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.
\\\"Việc này có ý nghĩa như thế nào?\\\". Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ.
Bàn số hai \\\"cũ\\\" trở thành \\\"cái bàn hạnh phúc\\\", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này. Rồi rất nhiều lần 31-12 đã đi qua. Lại một ngày 31-12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay.
Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai.
Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn... Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.
Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại.
Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên. Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:
- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp bắp nói:
- Các vị... các vị là...
Một trong hai thanh niên tiếp lời:
- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.
Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vã nhả ra, đứng dậy nói:
- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ! Mau lên!
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:
- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:
- Có ngay. Ba bát mì.
Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm.
Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi.
Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt, nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.
(BV chuyển)