Chia sẻ với cả nhà bài báo với tựa đề thật dễ thươnghttp://nld.com.vn/20111231051216908p0c1042/may-ma-co-chi-doi-con-de-thuong.htmThứ Bảy, 31/12/2011 23:59
(NLĐO) - Mấy ngày nay, nụ cười hồn hậu của chị “Lành vé số” (Phạm Thị Lành, ngụ huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) và anh “Tuấn ba gác” (Đỗ Ngọc Tuấn (41 tuổi, ngụ thị trấn Bến Lức, Long An) trên báo làm lòng người nở hoa. Đọc xong bài báo, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài việc thốt lên: ”Trời ơi, sao cuộc đời lại có chuyện dễ thương vầy nè!”
Cách đây mấy tháng, trên báo cũng lùm xùm vụ Công ty Sổ số kiến thiết Bình Phước từ chối trả thưởng giải độc đắc 1,5 tỉ đồng cho người trúng giải với lý do tờ vé số bị mưa ướt nên không còn dấu giáp lai. Đến khi người này phải mất thời gian kiện tụng và chuốc đủ thứ rắc rối thì công ty sổ số mới \\\"xì\\\" tiền ra.
Trong khi đó, chị Lành không động lòng tham trước nguyên lô độc đắc chỉ vì “hồi đó tới giờ tôi bán vé số bị ế, anh Tuấn mua ủng hộ dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!”.
Xét ra, Công ty Sổ số kiến thiết Bình Phước là một đơn vị làm ăn lớn nhưng coi 1,5 tỉ đồng \\\"bự\\\" hơn chữ tín của mình. Trong khi đó, một người bán vé số, làm ăn lẻ tẻ như chị Lành lại coi số tiền gấp hơn 4 lần không bằng một chữ tín.
Tôi thích cách anh Tuấn rút tờ 200.000 đồng và 1 trong những tờ vé số trúng độc đắc đưa cho chị Lành. 200.000 đồng là trả nợ, tờ vé số là tặng, hai cái rạch ròi nhau hoàn toàn.
Trước đó, cầm 10 tờ vé số trúng trong tay, chị Lành cũng có quyết định rạch ròi rằng chúng không còn là của mình nữa, chúng là của anh Tuấn vì chị đã hứa miệng bán thiếu. Vì vậy, chị gọi điện thông báo cho anh Tuấn và đòi 200.000 đồng tiền vé số còn nợ.
Cảm kích làm sao sự rạch ròi đầy khẳng khái dân miền sông nước. Rạch ròi không phải để cạn tình, rạch ròi để giữ chữ tín cho bản thân mình và để giữ cái chữ tình giữa những con người biết giúp đỡ nhau trong cảnh hàn vi, chia sẻ nhau khi chạm được tay vào phú quý.
Cuộc sống bon chen, khi đồng tiền được nhiều người trọng vọng thì các giá trị tinh thần cũng dần nhạt phai. Tiền làm con người trở nên vô cảm, mờ lý trí, không còn phân biệt được rạch ròi đâu là của người, đâu là của mình.
2011 là năm mà người ta nhắc nhiều đến 2 chữ vô cảm. Vì vô cảm nên có những sát thủ như Lê Văn Luyện sẵn sàng ra tay giết cả một gia đình để cướp vàng. Vì vô cảm nên bọn \\\"đinh tặc\\\" chế đinh rải ngoài đường để vá xe kiếm chút tiền lời, bất chấp tính mạng người khác.
Cũng vì vô cảm, các kiểm lâm viên ở Nghệ An bỏ mặc 10 người bị nạn để bỏ chạy trong đêm vì sợ hành vi tiếp tay phá rừng bị phát giác. Và vì vô cảm, có những người dân không thiếu ăn, rách mặt vẫn lao ra đường, hôi của các vụ TNGT dù có khi chỉ là vài quả bưởi, ít trái chôm chôm.
Điều đáng nói hơn, sự vô cảm nó đã và đang ngấm sâu vào những con người đang làm các nghề được xã hội tôn vinh là ngành y và giáo dục.
Thiếu nữ 17 tuổi ở Cà Mau chết tức tưởi, một bệnh nhân ở Cần Thơ bị cắt mất 2 quả thận..., những chuyện đau thương trên xảy ra do sự vô cảm, tắc trách của những người được xã hội tôn vinh “lương y như từ mẫu”.
Rồi cũng vì vô cảm, đánh mất lòng tự trọng, một giảng viên đại học gạ tình nữ sinh viên chỉ đáng tuổi con mình.
Tất nhiên, trong hàng ngàn thông tin tiêu cực phản ánh một thực trạng xã hội u ám đó vẫn nổi lên những “hiệp sĩ” sẵn sàng xả thân bắt cướp; vẫn có 2 sinh viên nghèo ở TPHCM mượn tiền đưa người lạ bị TNGT đi cấp cứu; những em học sinh tuổi nhỏ nhưng tấm lòng cao cả, quên thân mình cứu người bị đuối nước ở miền Trung…
Tuy nhiên, những điều đó chưa đủ để tôi lạc quan và có lòng tin vào luật nhân quả. Việc \\\"đinh tặc\\\" bị bắt rồi được thả, \\\"hiệp sĩ\\\" bị nạn khi bắt cướp, bị trả thù… làm tôi có cảm giác cái ác vẫn đang ngạo nghễ trong khi cái thiện không được bảo vệ và đang dần bị mai một đi.
Song, vào những ngày cuối cùng của năm, qua câu chuyện về chị Lành và anh Tuấn, tôi biết rằng luật nhân quả vẫn còn đó. Nhờ ăn ở lương thiện, hai con người đó đã được cuộc đời đền đáp xứng đáng. Chị Lành, vì không tham của người nên được anh Tuấn cho 1 tờ vé trúng, ngay hôm đó chị cũng để dành 1 tờ vé số và trúng giải đặc biệt.
Có lẽ hai con người chất phác đó sẽ “mắc cỡ, kêu trời” khi biết tôi nâng tầm câu chuyện về họ vì “chuyện đó có gì đâu mà làm rùm beng”. Song, tôi tin chắc rằng ai đọc qua câu chuyện của họ rồi cũng sẽ cảm thấy lòng phơi phới, sung sướng như chính mình vừa mới trúng số. Rồi có không ít người sẽ tự nhìn lại bản thân để tự nhắc nhở mình biết quý trọng chữ tín, biết quý trọng tình người..., hoặc chí ít cũng tin rằng luật nhân quả vẫn còn đó để đừng làm những chuyện trái với đạo lý, lương tâm.
Một năm mới lại đến, mong lắm ai ai trong xã hội, từ những người ít học đến trí thức, từ dân thường đến quan chức, ai cũng lấy chữ tín làm trọng, giữ gìn nhân cách trong sạch như chị “Lành vé số”; cư xử phóng khoáng, tình nghĩa như “anh Tuấn ba gác” thì cuộc sống này tươi đẹp biết bao!
Bạn đọc Hà Tiên