Mạnh Thường quân tên thật là Điền Văn, người nước Tề thời Chiến quốc, nổi tiếng hào hiệp, trong nhà luôn có ba ngàn thực khách ,đa phần là kẻ sĩ vị ngộ nói chung là hạng tầm thường, nuôi để lâu lâu có việc thì nhờ cậy, nhưng cũng đãi ngộ và trọng thị. Thực khách nhà Mạnh Thường quân gồm ba bậc, có hạng ăn cơm rau, hạng bữa ăn có thịt cá và hạng được cấp xe. Ngày nọ có anh chàng Phùng Huyên đến xin làm thực khách. Mạnh Thường quân hỏi “Khách có tài năng gì không ?”, đáp “Không có gì cả!”, chủ bảo “được” và nhận cho làm thực khách hạng…cơm rau! Một cuộc phỏng vấn nhanh gọn và thẳng thắn mà nói lên được bản chất của cả đôi bên. Kẻ ăn người ở trong nhà không mấy trân trọng những“bậc”cơm này, nhưng Phùng Huyên không lấy thế làm đau. Được ít lâu, cả nhà nghe tiếng Phùng Huyên gõ vào thanh kiếm hát “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Ăn không có cá!”. Nghe gia nhân nói lại, Mạnh Thường quân bảo “Nâng cho ông ta một bậc”. Thế là từ đấy bữa cơm có chất lượng hơn. Được ít lâu, người trong nhà lại nghe tiếng vỗ kiếm và hát “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Đi không có xe”. Chủ lại bảo “Đánh xe cho ông ta!”. Vậy là Phùng Huyên ngồi lên xe lại chơi nhà bạn bè, nói “Mạnh Thường quân đãi tôi vào bậc khách.” Được lên đời như thế tưởng mọi sự đã yên - với người khác thì có thể như thế - nhưng buổi tối nọ, trong nhà Mạnh Thường quân lại vẳng lên tiếng vỗ kiếm và hát “Kiếm dài ơi,về đi thôi! Không có gì gửi về nhà!”. Bọn gia nhân cực ghét cái con người lòng tham không đáy, chẳng ai hiểu những diễn biến trong lòng “kiếm dài ơi”, chỉ cho là nhân dục vô nhai. Nghe hát, Mạnh Thường quân hỏi “Ông ta còn người thân không?”, “Hình như còn mẹ già”- gia nhân đáp. Bảo“Cung cấp cho mẹ ông ta, không để thiếu thốn”. Đám gia nhân y lời, từ đấy “kiếm dài” im bặt.
Một hôm Mạnh Thường quân nhìn vào sổ nợ, biết dân đất Tiết –một nước nhỏ bị Tề diệt, vua Tề tặng Mạnh Thường quân làm phong ấp (nay thuộc tỉnh Sơn Đông) – còn nợ mình nhiều , thuộc lọai nợ xấu khó đòi nhưng nhất thiết chỉ dãn mà không cho xóa. Bèn hỏi các thực khách: “Vị nào có thể vì Văn đi thu nợ đất Tiết không?”. Thực khách im lặng, chỉ Phùng Huyên xin đi. Chuẩn bị hành trang xong, chở đầy một xe ngựa những trái khóan, khế ước, khi từ biệt hỏi :“Nợ thu hết rồi, tôi mua gì mang về ?” Mạnh Thường quân đáp “Tiên sinh coi nhà này còn thiếu thứ gì thì mua về thứ đó”. Sau mấy ngày gian nan vất vả, tới đất Tiết, Phùng Huyên sai gọi dân đến, ai thiếu nợ bao nhiêu đều đối chiếu giấy tờ gọi ra đủ cả. Xong đứng dậy, thác lời Mạnh Thường quân cho xóa hết nợ. Nói xong cho đốt hết giấy nợ rồi lên xe về. Dân tung hô vạn tuế vang cả một góc trời.
Phùng Huyên về, Mạnh Thường quân thấy mặt tươi rói lấy làm lạ, hỏi: “Sao về nhanh thế? Nợ thu hết không?”. Đáp “Thu không thiếu một đồng”, lại hỏi “Mua thứ gì về ?”. Phùng Huyên thưa : “Ngài bảo nhà thiếu thứ gì thì mua thứ ấy. Nhà ngài bạc vàng châu báu, mỹ nữ, ngựa xe đầy dẫy, chỉ thiếu có mỗi chữ “nghĩa” nên tôi trộm…tha nợ cho dân mà mua nó về!”. Buồn và tiếc của nhưng gặp phải anh hâm, vả mình đã lỡ nói, nên Mạnh Thường quân đành bỏ vào nhà, lòng buồn rười rượi. Hơn nửa năm sau, vua Tề Tuyên vương đuổi Mạnh Thường quân về đất Tiết, có ý trừ khử. Chưa về tới nơi đã thấy người đất Tiết dắt díu nhau đi đón xa một ngày đường, lời hô như sấm dậy, nguyện một lòng đi theo. Trong cảnh sa cơ thất thế, thấy dân như vậy, Mạnh Thường quân bảo với Phùng Huyên: “Tiên sinh mua “nghĩa” đến hôm nay Văn mới được thấy.!”. Nhờ vậy mở rộng được đất đai làm tướng quốc mấy chục năm cũng là nhờ “kiếm dài ơi” khéo mua cho mình được thứ hàng còn thiếu! Mua được cái mình thiếu, bán được cái mình dư chẳng là Mạnh Thường quân vừa được xóa nghèo để phát tài lên đó sao?