Vợ chồng lay lắt nằm chờ chết dưới cầu thang bệnh viện Chợ Rẫy
(Zing) - 25 năm người vợ bị tiểu đường, rồi đột ngột, cả hai vợ chồng cùng mang chứng bệnh nan y: suy thận. Không còn gì, nhưng họ không đành lòng phó mặc cuộc sống cho thần chết.
Nghe có phóng viên đến gặp, chị lật đật chạy ra hành lang để đón, người chồng ngồi một chỗ, mắt đau đáu nhìn về phía chị. Mắt kém lại thêm bệnh tật, người đàn bà gần 30 năm chống chọi với bệnh tật giờ lại oằn thêm trên đôi vai mình những đau khổ và cả khát vọng sống.
Thảm cảnh của 4 lần sinh tử
Thường thì, với nhiều người, cuộc sống luôn rất tốt đẹp, chỉ là đôi khi thiếu một chút công bằng. Nhưng có lẽ sự không công bằng đã dồn lên một gia đình tại ấp An Nhơn, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long của anh Trần Quang Răng (sinh năm 1949) và chị Trần Kim Thoại (sinh năm 1957) nhiều quá. Nhiều đến mức có thể gọi là thảm kịch.
30 năm nay, hai vợ chồng này chịu đựng 4 lần sinh tử
Thang máy của trại 25 bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là nơi trú chân của cặp vợ chồng này đã một năm nay. Không còn cách nào khác, họ phải sống nốt những ngày tháng vật vờ, cầm cự với cơn bệnh ở hành lang bệnh viện.
Rớm nước mắt, chị Thoại cũng chẳng còn nhìn rõ người đang trò chuyện với mình, nhưng chị vẫn kể. Chị kể về những năm tháng hạnh phúc và những đau khổ trong cơn cùng kiệt vì bạo bệnh này.
Năm 1974, anh thợ hồ Răng kết hôn với chị thôn nữ Thoại. Cuộc sống của họ êm đềm trôi với cô con gái đầu lòng xinh xắn. Anh Răng khi ấy gia nhập ngành công an. Cuộc sống khó khăn nên chị Thoại vẫn trồng rau, nuôi gà để duy trì kinh tế. Nhìn họ bây giờ vẫn vậy, ai cũng có thể thấy sáng lên trong đôi mắt họ là cái nhìn của người nông dân Nam bộ hiền lành chất phác.
Mọi tai họa bắt đầu từ năm 1987, chị Thoại phát hiện bị tiểu đường. Ăn uống kiêng khem, tiền thuốc men nặng gánh. Anh Răng làm cán bộ lương ba cọc ba đồng, cũng chỉ đủ tiền nuôi gia đình và chữa bệnh cho vợ. Rồi thảm họa lần thứ hai lại đổ ập lên gia đình bé nhỏ ấy, khi anh đang là trưởng công an thị trấn Vũng Liêm, năm 2006, anh bị một cơn đột qụy bất ngờ.
Ông Răng, trụ cột của gia đình, sau cơn bạo bệnh đã liệt nửa người, giờ lại mắc thêm chứng suy thận vô phương cứu chữa
Vợ bệnh nặng, nhà neo người, không còn cách nào khác, gia đình đành phải nhờ nhà nước giải quyết chế độ hưu trí một lần để có tiền chữa bệnh. Cơn bạo bệnh của anh Răng đã tạm qua, nhà cửa chẳng còn gì ngoài hai vợ chồng ốm yếu và đứa con gái phải đi làm thuê. Anh Răng kiên trì tập luyện, may mắn rồi cũng có thể tự đi được dù vẫn phải chống gậy vô cùng vất vả.
Chồng lặc lè, vợ tiểu đường, họ cố gắng nuôi nhau vượt qua những ngày gian khó. Nhưng sự đời nhiều lúc trớ trêu khi lần thứ ba thần chết lại trêu ngươi họ. Sau 25 năm bị tiểu đường, bệnh chị Thoại chuyển biến thành suy thận mãn tính, một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Chị nằm lại bệnh viện, 2 ngày chạy thận một lần, anh chồng què quặt chăm sóc vợ không nề hà. Bản thân anh và chị cũng không hiểu rằng, số phận lại đẩy họ đến thảm họ lần thứ tư như thể muốn cắt hết hy vọng sống của họ như bây giờ. Không phải là một bệnh lây lan, nhưng cách đây vài tháng, xét nghiệm y tế cũng đã xác định anh Răng cũng bị suy thận.
Chắc chắn lần thứ tư này đã là thảm kịch cuối cùng. Vì không còn có nỗi đau đớn nào lớn hơn thế nữa.
Kiệt quệ vì bạo bệnh
Tình trạng chị Thoại đã trở nên quá nặng, một bên tay của chị gần như đã hỏng vì kim tiêm lọc máu. Bệnh viện địa phương không còn đủ điều kiện, phương tiện chữa trị, hai vợ chồng đành phải lên tuyến cao hơn. Họ bảo nhau sống lay lắt nơi gầm cầu thang, cạnh thang máy bệnh viện, ở trại 25 bệnh viện Chợ Rẫy.
Khốn khổ và cùng kiệt, trong túi họ chẳng còn đồng nào. Nhà chỉ có một cô con gái làm thuê ở Bình Dương, chắt bóp được đồng nào thì đem chạy chữa cho cha mẹ hết, nhưng chẳng thấm vào đâu.
Anh Răng than thở: “25 năm chạy chữa tiểu đường cho vợ thêm với cơn bạo bệnh của tôi, gia đình chẳng còn gì đáng giá; đến cái nhà tình thương cũng do nhà nước xét cho, giờ bỏ hoang. Giờ trắng tay rồi, lên Sài Gòn, quần áo, mùng mền cũng do người ta thương tình mà cho. Vợ chồng còn có gì đâu”!
Theo anh Hải, một bệnh nhân chạy thận lâu năm ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh suy thận là một bệnh nan y, không thể chữa trị tận gốc. Khi bị bệnh, bệnh nhân không thể bài tiết được nước vì quả thận đã bị hư hỏng. Nếu không có biện pháp đưa nước trong cơ thể ra ngoài, bệnh nhân sẽ chết. Ngoài việc hạn chế ăn và uống những thứ có nước, người bệnh đành phải nhờ máy móc lọc máu 3 lần/tuần để duy trì sự sống.
Mệt mỏi sau đợt chạy thận buổi sáng, chị Thoại kể: “Giờ còn hai vợ chồng, đành phải chạy thận cùng một ngày. Mua sẵn 2 ổ bánh mì, khi chạy thận xong thì hai vợ chồng ngồi gặm cho qua bữa. Chỉ dám chạy thận chứ không có tiền mua thuốc. Bảo hiểm y tế người nghèo đã hỗ trợ rồi nhưng mỗi tháng vẫn phải mất 5 triệu đồng viện phí. Tiền đâu mà cầm cự nữa”.
Bữa ăn hàng ngày của ông bà cũng là do đi xin mà có. Các tổ chức từ thiện hằng ngày vẫn đi phát cơm cho các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Chợ Rẫy.
Dù cuộc đời quá nhiều đau khổ, nhưng chưa bao giờ họ ngừng khát vọng sống
Ban ngày, theo quy định, hai vợ chồng không được nằm ở hành lang bệnh viện mà đành ra ghế đá khuôn viên bệnh viện để trú chân. Tối đến, ông què, bà mờ mắt mới dắt nhau về tổ ấm là chiếc chiếu manh nằm gần thang máy. Theo các bệnh nhân, anh Răng và chị Thoại là hoàn cảnh thê thảm nhất trong số hàng trăm bệnh nhân phải chạy thận ở bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi bệnh nhân chạy thận ở đây đều có ít nhất một người nhà chăm sóc, còn trường hợp như hai vợ chồng này là hiếm có.
Những cùng cực đau khổ đã khiến đôi mắt chị Thoại dần yếu đi, đôi chân anh Răng dường như không còn sức bước tiếp trên con đường chông gai phía trước. Không thể tin rằng cuộc sống có lúc lại éo le đến thế, ngay cả hai vợ chồng đau khổ này cũng không thể tin rằng mọi đau khổ có thể ập vào một gia đình bất ngờ và khắc nghiệt đến thế.
Lúc chia tay, chị Thoại nghẹn ngào chẳng nói nên lời: “Nhà báo ơi, hãy giúp giùm chúng tôi nói với các nhà hảo tâm; cho chúng tôi sống lay lắt được ngày nào hay ngày ấy”!
Xem như GĐ Anh Răng Chị Thoại, trực hệ BV Chợ Rẫy rồi.liên lạc với anh chị. Trần Quang Răng và chị Trần Kim Thoại, bệnh viện Chợ Rẫy. Số ĐT. 0168 5036794
theo
www.zing.vnMong anh lehung73 phát tâm xác minh giùm ah...
Tomy...