Đọc báo là một trong những cách tôi chọn để trau dồi kiến thức bên cạnh đọc sách. Với những đề tài gây tranh luận tôi thường chú ý vì học được nhiều hơn, nhất là khi đọc những ý kiến trái chiều kèm theo lý luận độc đáo. Thỉnh thoảng trong một vài trường hợp tôi cũng muốn tham gia nói lên suy nghĩ của riêng mình. Câu chuyện “quảng cáo và từ thiện” của mì Gấu Đỏ vừa qua là một trong những đề tài như thế.
Hiện nay trên mạng đang chia thành hai phe có suy nghĩ khác nhau, ủng hộ và chống đối. Hai bên đều mạnh dạn bảo vệ ý kiến của mình nhưng xem ra chưa ngã ngũ.
Trong đời sống xã hội, hoạt động của con người rất đa dạng, luật pháp chỉ quy định một tỉ lệ rất ít những hành vi được phép hay không được phép làm, đúng sai rõ ràng. Tuyệt đại đa số hành vi còn lại của con người chỉ được soi xét bởi cái mà ta gọi là lẽ phải hay lương tri.
Cái lương tri đó hướng dẫn hành vi, giúp ta lựa chọn xếp hàng hay chen lấn, nhường nhịn hay tranh giành, khiêm nhường hay cao ngạo. Xa hơn nữa, lương tri quyết định lựa chọn cách sống vị kỷ hay vị tha, xử sự công bằng hay bất công, làm việc thận trọng hay cẩu thả.
Một xã hội văn minh là xã hội trong đó con người được tôn trọng và ngưỡng mộ tăng dần theo hướng: tài sản - trí tuệ - tư cách, ta nói xã hội đó có nhiều lương tri. Khi gặp trường hợp lý luận không giúp giải quyết ngã ngũ thì cán cân sẽ được quyết định nghiêng về phía có nhiều lẽ phải hơn, phía có nhiều lương tri hơn. Số đông ủng hộ bên đúng thì may, ngược lại nếu đa số đều ủng hộ bên sai thì nguy hiểm vì khi đó lương tri xã hội có thể nói là quá ít ỏi.
Tôi không có ý ủng hộ hay phản đối bên nào, tôi chỉ muốn nói lên một khía cạnh khác. Với những đề tài gây tranh cãi, khó phân biệt đúng sai thì tỉ lệ giữa số người ủng hộ hai bên mang một ý nghĩa rất đặc biệt, phản ánh cách nghĩ của mọi người về một giá trị xã hội mà đề tài đó có liên quan. Ở đây chính là bản chất của công việc từ thiện đang được hiểu như thế nào.
Socrates - triết gia Hy Lạp - nói: “Mọi tranh luận phải bắt đầu bằng định nghĩa”. Vậy ta nên xét vài điểm quan trọng trước ở đây. Từ thiện là hành vi giúp người nhưng không phải tất cả hành vi giúp người đều là từ thiện. Để được gọi là từ thiện cần thêm một điều kiện nữa là bất vụ lợi. Hành động giúp người khi nằm trong một chương trình có mục đích vì lợi nhuận một cách hợp pháp thì được xã hội chấp nhận nhưng không nhất thiết phải gọi tên từ thiện. Nói cách khác, ta không thể tạo ra một hành động vừa mang tính vì lợi nhuận vừa mang tính từ thiện nếu ta chấp nhận định nghĩa từ thiện như đã nói ở trên.
Cách hiểu ổn thỏa theo tôi là một chương trình khuyến mãi hay quảng cáo có thể làm theo bất kỳ hình thức nào đã được luật pháp cho phép nhưng nên hết sức cân nhắc khi muốn dùng thêm hai tiếng từ thiện vì sự mâu thuẫn nội tại trong hành động đó.
Nếu có ai đó cho rằng việc này trên thế giới người ta đã từng làm, là rất bình thường thì tôi xin nói thêm một chút về “Cause-related marketing”, một hình thức tiếp thị có lựa chọn, cụ thể là sự hợp tác giữa một công ty với một tổ chức từ thiện. Công ty chọn tổ chức từ thiện nào phù hợp với đối tượng tiêu dùng sản phẩm của mình để tạo sự chú ý, tổ chức từ thiện thì có thêm ngân quỹ để giúp người. Như vậy, mỗi bên đều đang làm phần việc của mình một cách hợp pháp mà thôi. Công ty chọn cách tiêu tiền có mục tiêu tốt đẹp chứ không phải làm từ thiện còn tổ chức từ thiện thì chỉ lo dùng quỹ đó để giúp người chứ không dính líu tới hoạt động bán hàng. Lý thuyết thì như thế nhưng lúc tiến hành có nhiều chi tiết nhạy cảm rất dễ gây tranh cãi như chúng ta đang chứng kiến.
Chúc cả nhà vui