Tác giả Chủ đề: Vì sao có ít học sinh giỏi môn Lịch sử?  (Đã xem 7490 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi Nguyen Thi Thu Hue

Trả lời #2 vào: 02-08-2017 02:46:30
Đọc trúng chuyên mục này mắc cười thiệt vì chợt nhớ bài A.banron mới tải lại cách đây vài hôm trên FB kể về sự tích của bánh \"giò chá quẩy\" (chuyện Nhạc Phi -Tần Cối :) ), trong đó có phần comment của A.Le Tan Hung: \"Trí nhớ của em thật siêu, làm anh nhớ lại lúc xưa em kể sử tích này nối tiếp sử tích kia làm  anh em sales rep. ngồi  nghe mà há hốc miệng :) ) \"
-> Nội trong bài này cũng đã thấy nêu... 1 loạt các nhân vật sử học!  :woohoo:
 Thanks vì nhắc để nhớ, lâu lâu cũng phải tự \"văn ôn võ luyện\"! :)

 


Ngủ rồi banron

Trả lời #1 vào: 14-06-2012 18:11:59
(Vô tình đọc lại bài tôi viết trên VietnamNet cách đây gần 10 năm, cảm thấy muốn chia sẻ bèn chép lại sang đây cùng các bạn…)

Bài viết này không có tham vọng mang lại một giải pháp tức thì cho việc dạy và học môn Sử, mà chỉ dành cho những người có trách nhiệm tham khảo và nếu được, có thể thử làm.

Ở đây tôi xin tự giới thiệu mình là một người ưa đọc lịch sử, đâm ra hoài cổ dù tuổi chưa già, nên những suy nghĩ của tôi có thể giúp cho các bạn biết được người đọc (hay học) lịch sử dễ bị lôi cuốn bởi những yếu tố gì để từ đó đi đúng hướng, như các chuyên gia marketing thường tìm hiểu suy nghĩ của khách hàng (consumer insight) trước khi đề ra chiến lược cho sản phẩm của mình vậy.

Dạy như kể chuyện:
Thỉnh thoảng vào lúc rảnh rỗi tôi thường hay kể một vài câu chuyện về lịch sử Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ cho các bạn đồng nghiệp của tôi, những người được xem là thành đạt khi tuổi còn trẻ với những kiến thức công việc cao, kỹ năng quản lý giỏi, tiếng Anh lưu loát và thường thì …không biết nhiều về Sử. Thật ngạc nhiên rằng hầu hết đều tỏ ra thích thú và muốn mượn tôi những quyển sách đó để đọc. Như thế có nghĩa là cần phải nói đến vai trò của giáo viên, nếu chúng ta làm tốt việc đào tạo giáo viên thì có lẽ học sinh chỉ mong mau mau đến giờ Sử để được học thôi.

Viết như kể chuyện:
Văn dùng trong việc soạn chương trình Sử chỉ nên nhẹ nhàng, chẳng hạn nếu bạn đọc đoạn văn sau thì có thấy việc học Sử có quá khó không:

“Ngồi đan sọt mà lo việc nước: PHẠM NGŨ LÃO
Khi đó quân Nguyên sang xâm lăng nước ta, tình thế vô cùng cấp bách, Hưng Đạo Đại Vương kêu gọi toàn quân cùng nhau giữ nước.

Ông Phạm Ngũ Lão một hôm ngồi đan sọt bên đường, lòng mãi lo suy nghĩ cách thắng giặc Nguyên. Khi quân lính Đại Vương đi qua, muốn dẹp đường nhưng gọi mãi mà ông không nghe. Một tên quân cầm ngọn giáo đâm mạnh vào đùi ông, máu chảy lai láng mà Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi yên như không hề hay biết.

Vương thấy lạ mời ông theo giúp, về sau lập được rất nhiều công to. Ông còn bày kế gả Huyền Trân Công Chúa cho vua nước Chiêm Thành, mở mang bờ cõi thêm mấy trăm dặm về phía nam…”

Biết địch,biết ta :
Cổ nhân đã dạy: biết địch biết ta, có biết bên này, bên kia thì mới thấy rõ những gì đã làm nên lịch sử ...Ngày trước nếu bạn học Hai Bà Trưng, Thi Sách thì cũng sẽ biết Mã Viện, Tô Định; nếu được giới thiệu Lê Lợi, Nguyễn Trãi thì cũng được nghe Thôi Tụ, Vương Thông; hay khi học thấy Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu thì tất sẽ nghe tên Garnier, Rivier hai sĩ quan người Pháp; ngay sử Trung Quốc cận đại cho ta biết Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đồng thời cũng nói rõ Tưởng Giới Thạch, Trương Học Lương… còn ở ta hầu như chỉ thấy bên này, mà chưa thấy bên kia, bởi vậy hạn chế nhận thức ...

Nên khuyến khích học sinh nhận định, so sánh, đánh giá, tự đào sâu suy nghĩ :
Khi trình độ học sinh đạt đến một mức nào đó rồi thì để cho họ tự do nhận định về một nhân vật lịch sử hay một thời đại nếu không nói là nên khuyến khích học sinh làm như thế. Thật thú vị biết bao khi được nghe một bạn trẻ trình bày mạch lạc và vô tư về Hồ Quý Ly, vua Gia Long hay Trương Vĩnh Ký. Ta có thể hướng dẫn các em thêm bằng những nhận định xác đáng, những phân tích sâu sắc nhưng không nên bắt các em học thuộc lòng những ý kiến của người khác, vì làm như thế kết quả sẽ là con số không to tướng mà thôi.

Tạm thay lời kết: Những suy nghĩ có thể còn nông cạn trên xuất phát từ ước mong sao cho thanh niên Việt Nam không chỉ giỏi về khoa học hay kinh doanh mà còn yêu quê hương dựa trên một nền tảng vững chắc về lịch sử. Nếu như có ai đó tìm thấy một chút hứng khởi mà trở nên yêu thích môn Sử thì quả là một niềm hạnh phúc và mãn nguyện quá lớn đối với tôi rồi.