Mười chị em mồ côi vượt khó
“Gia tài” cha mẹ để lại là một đống khăn tang và áo chế trong căn nhà rách nát, mười chị em mồ côi ở cuối xóm nghèo làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) sống cảnh nheo nhóc, nháo nhác như đàn gà con mất mẹ. Trong tận cùng khốn khó, họ đã biết cùng nhau vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời bằng một nghị lực sống phi thường và một ý chí vươn lên mãnh liệt.
Về làng Mai Xá hỏi gia đình nào nghèo nhất, hoàn cảnh nhất, chắc chắn người ta sẽ chỉ ngay đến ngôi nhà xơ xác của mấy chị em Trương Văn Quý ở cuối đội 1. Xưa nay, cả làng ai cũng biết rằng, bố của Quý là người hiền lành, chất phác, suốt đời đi làm thuê cuốc mướn với hai công việc sở trường là bổ củi và đào ao. Trong mái nhà tranh vách đất gió lộng tứ bề, nhiều đêm bố mẹ Quý bụng đói cồn cào, nằm trằn trọc thao thức không sao ngủ được, không biết lấy gì làm nguồn vui, giải trí tinh thần cho một ngày lao động mệt mỏi,… mười chị em Quý lần lượt nối tiếp nhau ra đời trong hoàn cảnh đó!
Năm 2005 mẹ mất, Quý cùng hai người chị đầu và một người em lần lượt bỏ học giữa chừng để đi làm thuê, kiếm tiền phụ cha nuôi các em nhỏ. Hễ ai thuê gì là làm đó, miễn là lương thiện và có tiền mà vừa sức với các em. Từ đó đến nay, người chị đầu của Quý vẫn đi ở giúp việc cho những gia đình khá giả trong vùng. Để bớt đi một miệng ăn cho gia đình, người chị thứ hai của Quý đã đi lấy chồng năm 17 tuổi. Mấy đứa em nhỏ của Quý ngày nào cũng được thuê đi giữ trâu. Bọn trẻ không biết đó là cách mà bà con xóm làng muốn giúp đỡ các cháu…
Nỗi đau mất mát mẹ vẫn chưa nguôi ngoai, đến năm 2008, do suy kiệt thể lực vì lao lực mà người cha cũng qua đời. Một lần nữa, mấy chị em Quý hụt hẫng tinh thần, phải sống chịu đựng nỗi đau mất mát của những đứa trẻ mồ côi cả mẹ lẫn cha. Là người anh cả còn ở lại nhà, gánh nặng gia đình từ đây đè lên đôi vai gầy của Quý. Dù năm nay chỉ mới 23 tuổi, nhưng Quý là lao động chính của gia đình và đồng thời cũng là người đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu hộ nghèo.
Mặc dù học rất giỏi, nhưng đến năm lớp 10 Quý phải bỏ học để đi làm thuê, kiếm từng đồng trong khi đó bạn bè cậu có đứa “nướng” cả đống tiền chỉ trong tít tắc. Mỗi ngày đi phụ thợ hồ, Quý được trả 80 – 90 nghìn đồng và mỗi tháng làm được 15 – 20 ngày, thu nhập bình quân trên dưới 1,5 triệu đồng. Hàng tháng, người chị đầu của Quý gởi về 1 – 1,5 triệu đồng để phụ thêm nuôi bảy đứa em. Nếu như nhà Quý nghèo nhất làng Mai Xá, thì những người thân của Quý cũng đứng thứ nhì hoặc ba. “Bụi tre chỉ che một phía”, dì và chú ruột của Quý không có đủ tiền của nuôi con thì lấy đâu giúp đỡ các cháu.
Ghé thăm mấy anh em Qúy đúng lúc gia đình đang chuẩn bị bữa cơm tối, tôi không khỏi ngạc nhiên trước một gia cảnh quá éo le của những đứa trẻ mồ côi. Trong lúc Quý đang ngồi tiếp chuyện tôi, thì một “đoàn tàu há mồm” ôm bụng la đói…
Vừa đi học về, cháu Trương Thị An lao ngay vào bếp nấu nướng.
Nhìn tới nhìn lui, đồ đạc trong gia đình anh em Quý chẳng có gì đáng giá ngoài một cái bàn thờ, một cái bàn tiếp khách cùng mấy cái ghế, một cái tủ đựng áo quần, một cái sập và một… dấu chấm hết! Người miền Trung thường đóng cái sập bằng gỗ dùng để đựng lúa, tận dụng mặt trên nằm ngủ thay giường. Nhà Quý cũng có một cái sập nhưng không có lúa để đựng nên dùng nó như là cái gác-măng-rê. Ngoài ra, cái sập cũ kỹ này còn là nơi duy nhất để anh em Quý dọn ăn mỗi ngày.
Không giống những gia đình bình thường khác, trước mỗi bữa ăn, mấy đứa em của Quý phải trải qua một vòng “sát hạch” nghiêm ngặt để xác định ai là người được ăn trước và ai là người phải đợi ăn sau. Quý giải thích: “Đói bụng, đứa nào cũng muốn ăn trước, nhưng nếu cả tám anh em ngồi ăn trên cái sập ọp ẹp, chớm gãy này cùng một lúc thì sợ… nó sập. Vì vậy, tôi phải nghĩ ra đủ trò để đánh lừa các em.
Trước lúc cầm đũa, tay đứa nào đã rửa sạch thì sẽ được ăn trước, đứa nào mất vệ sinh thì phải đi rửa tay rồi mới được ăn sau. Qua nhiều bữa như thế, các em cũng “lật tẩy”, bắt được “bài con lừa” của tôi. Cái bao tử quặn thắt khiến các em “cảnh giác” nên tôi lại nghĩ ra những trò lừa mới. Có như vậy mới tránh được tình trạng “quá tải” trong lúc ăn. Lần này không phải là chuyện đã rửa tay sạch hay chưa mà đứa nào trong ngày cô giáo cho nhiều điểm nhất sẽ được ăn trước…”.
Thật tội nghiệp cho cậu Quý! Cả ngày làm quần quật với những công việc nặng nhọc, nhưng đôi khi tối về lại phải nhường cơm cho đàn em. Vì thế mà càng ngày Quý càng gầy đi! Quý nghẹn ngào: “Nếu ba mẹ còn sống, thì mấy anh tôi đâu đến nỗi khổ thế này! Nếu không biết yêu thương, đùm bộc, nhường nhịn lẫn nhau, thì có lẽ anh em chúng tôi… (không nói nên lời)”.
Mỗi bữa ăn, anh em Quý phải chia ra thành hai lần. (Bưng cơm ăn, Quý rưng rưng nước mắt).
Quý còn tâm sự riêng với tôi rằng, không phải cậu “chơi ác” với mấy đứa em đâu, nhưng do hoàn cảnh mà cậu phải làm như vậy. Lâu lâu các em quên “nguyên tắc” thì cậu mới “lập lại kỹ cương” gia đình một lần để các em nhớ. Dần dần cũng thành thói quen, mọi thứ trong gia đình đều và đi vào nề nếp. Nhờ vậy mà các em của Quý đều có tinh thần tự giác rất cao. Mỗi đứa biết tự giác đi nấu ăn, rửa chén bát, quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần, tự động ngồi vào bàn học trước khi đi ngủ hay gấp chăn màn sau khi thức dậy… Anh bảo em nghe, chị em tự bảo ban nhau khi không còn cha mẹ trên cõi đời này.
Trương Văn Tiến là cậu em út của Quý. Năm nay Tiến đang học lớp mẫu giáo. Cách nay chưa lâu, mỗi lần có người đến xin nhận đưa về nuôi thì Tiến sợ tái mặt, chạy sang nhà hàng xóm trốn. Đến khi họ đi rồi, người nhà sang gọi nhưng cậu bé vẫn còn sợ không dám về, mặt thoát sắc không còn chút máu. Nhưng gần đây, hễ có ai hỏi là Tiến đồng ý liền. Hôm tôi đến nhà thăm nhà cháu, mấy người chị của Tiến hỏi: “Giờ em có muốn đi với chú này không để chú chở đi?”. Không cần suy nghĩ, cháu Tiến gật đầu ngay: “Chị tới lấy quần áo cho em với”. Biết cháu Tiến rất thích đi theo, tôi giả vờ trêu cháu:
– Đi với chú là ở luôn, không về nhà nữa, cháu có dám đi không?
– Dạ, có!
– Cháu có chắc không?
– Chắc!
– Ở với chú mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm thôi, cháu có muốn đi không?
– Cháu đi luôn!
– Vì sao ở với chú mỗi ngày chỉ được ăn một bữa mà cháu vẫn thích đi?
– Vì ở nhà cháu ăn không ngon, nhiều bữa trời mưa nhà dột ướt lạnh lắm…
Chỗ ngả lưng duy nhất của anh em Quý trong nhiều năm nay.
Xét hoàn cảnh trớ trêu và số phận éo le của những đứa trẻ mồ côi, chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ gia đình Trương Văn Quý một phần nào. Bà con xóm làng người giúp viên gạch, kẻ cho ít tiền, xây một căn nhà tuy tạm bợ nhưng mấy anh em Quý có chỗ chui vào, chui ra.
Nhờ có chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo mà đến nay 6 đứa em của Quý vẫn còn được đến trường. Tôi cứ thắc mắc mãi: Điều kiện gia đình thiếu thốn là thế, ăn uống kham khổ, bữa đói bữa no là thế, nhưng không hiểu vì sao mấy đứa em của Quý học rất giỏi. Có phép màu nhiệm nào dõi theo bước các em?
Tính đến năm nay, những người em của Quý đang học cấp I đều là những học sinh giỏi, học cấp II là học sinh tiên tiến. Em Trương Thị Bích (SN 1995, đang học lớp 9A, Trường THCS Gio Mai) tám năm liền đứng trong tốp học sinh giỏi của trường và giành được giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp huyện.
Kế đến là em Trương Thị Bồng (SN 2000, là học sinh lớp 5), đang học cùng trường với chị Bích. Từ lớp 1 đến lớp 5, Bồng không chỉ là học sinh giỏi của trường, mà còn đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi môn Văn và môn tiếng Anh của huyện Gio Linh. Em Trương Văn Tý (SN 2002) đang học lớp 3 ở trường các chị. Trong ba năm liền, Tý đều là học sinh giỏi môn toán của trường, đồng thời dành được giải ba môn tiếng Anh qua mạng của huyện năm 2011. Cô em kế của Tý là Trương Thị Thuận, SN 2004, là học sinh giỏi môn tiếng Việt lớp 1 của Trường Tiểu học Gio Mai…
Cô giáo các em cho biết: “Có những em gia đình có điều kiện nhưng không chịu học hành, ăn chơi lêu lỏng. Ngược lại, dù bất hạnh, dù kém may mắn, nhưng mấy chị em Bích đều học giỏi và chăm ngoan. Đây không phải là trường hợp hiếm có ở một nơi có truyền thống hiếu học như làng Mai Xá”.
Khi được hỏi có ước mơ gì, anh em Quý chân thành cho biết: “Chúng cháu muốn cố gắng học tập tốt hơn nữa để sau này lập thân lập nghiệp, có điều kiện báo đáp công ơn cha mẹ sinh thành, đền đáp những người đã giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn và giúp đỡ lại những đứa trẻ có cùng cảnh ngộ giống mình”.