Sau khi đăng phần 2, có bạn nói: “OK, đồng ý với quan điểm phòng chống của anh. Nhưng… ý thứ hai anh nói không nên tham gia bắt cướp có phải là một ý kiến đúng không? Chẳng lẽ mình để yên cho cướp lộng hành sao?”
Thế là cuối cùng cũng phải viết dài chứ không chỉ nói ngắn gọn theo cách nêu lên một quan điểm cá nhân như ở bài đầu tiên được nữa rồi. Tôi sẽ cố gắng viết càng ngắn càng tốt vậy.
Trước tiên tôi muốn sửa lại một chút: tôi nói “phòng tránh” chứ không phải “phòng chống”. Phòng tránh với nghĩa đen tuyệt đối nhằm thể hiện mong muốn hạn chế tối đa nguy cơ bị cướp, đồng thời không làm hiểu nhầm do nghĩa rộng của chữ “chống” gây ra.
Bây giờ đi vào đề tài, mời các bạn suy nghĩ cùng tôi về những điểm dưới đây.
1. Có phải cướp sẽ lộng hành nếu người dân không bắt cướp không?
Chưa bao giờ bệnh tật nổi lên vì người dân không tự ý dùng thuốc. Trong vấn đề phòng bệnh, cái ta cần người dân tham gia là hãy rửa tay trước khi ăn. Cũng vậy, chưa bao giờ trộm cướp hoành hành vì người dân không chịu ra tay bắt cướp. Cái ta cần người dân tham gia trong việc giữ trật tự trị an là đừng đứng giữa đường mà lên Facebook bằng Iphone.
2. Nguồn phát sinh trộm cướp là từ đâu?
Để dễ theo dõi, ta thử xét trường hợp một bạn trẻ ra đời vào năm 1992 chẳng hạn. Năm 2002 em lên 10 tuổi và chưa thành cướp. Năm 2012 được 20 tuổi tham gia vụ cướp đầu tiên. Điều gì xảy ra trong năm 2011 đã hướng bạn trẻ này thành kẻ cướp?
Không thể có chi tiết xác thực, ta chỉ nghĩ theo logic mà thôi. Em thành kẻ cướp là do:
a. Bị đưa đẩy từ bên ngoài: Tình trạng quẫn bách, bạn bè lôi kéo, phim ảnh bạo lực…
b. Bị thôi thúc từ bên trong: Lười lao động, ham giàu sang, thiếu hiểu biết, thích nổi bật…
c. Cả hai lý do trên.
Nguyên nhân bên ngoài hay bên trong đều có liên quan đến giáo dục. Chỉ có nền giáo dục vững mạnh mới giúp hạn chế phát sinh trộm cướp chứ không phải những nỗ lực bắt cướp riêng lẻ của người dân.
3. Cướp ngày càng lộng hành là do đâu?
Sau khi tham gia cướp lần thứ nhất, em tiếp tục với lần 2, lần 3. Cũng theo nguyên tắc trên, ta biết em tiếp tục là vì những lý do sau:
a. Thành công quá dễ: người dân không biết cách phòng tránh, những món đồ cướp được có giá trị lớn…
b. Không bị trừng phạt: Lực lượng gìn giữ trật tự chưa đủ mạnh, pháp luật chưa đủ nghiêm…
c. Cả hai lý do trên.
Điểm này cho thấy nền tảng luật pháp và sự thực thi pháp luật đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn trộm cướp tràn lan.
4. Định hướng chung để giải quyết vấn nạn này là gì?
Tư tưởng bao trùm là làm cho nó đừng phát sinh và hạn chế để nó không phát triển.
- Để trộm cướp không phát sinh cần đề cao tính lương thiện, vinh danh những người biết chăm lo cho nhân quần xã hội và đặc biệt đừng ca ngợi sự giàu sang. Hãy hướng học sinh trở thành người có giá trị (man of value) chứ đừng tập trung hướng chúng đến thành công (man of success). Khi đó, đang tuổi tiểu học và trung học, các bạn trẻ sẽ có thần tượng là các nhà khoa học, những người thầy thuốc, những chiến sĩ xả thân vì nước. Thần tượng của họ gắn liền với đức hy sinh thì họ sẽ biết hy sinh, thần tượng của họ gắn liền với sự giàu sang thì họ sẽ tìm mọi cách để được giàu có bất kể phương tiện là gì.
- Để trộm cướp không phát triển ta phải có lực lượng bảo vệ trật tự xã hội mạnh, thực thi pháp luật nghiêm và không bao giờ nêu gương xấu trong ngành chức năng đó. Xét về tâm lý mà nói, những bạn trẻ mới bước vào con đường trộm cướp tất trải qua nhiều nhức nhối trong lòng, băn khoăn trăn trở trước những lựa chọn nhưng cuối cùng đã quyết định sai vì thiếu một sự dẫn dắt. Bất cứ sơ suất nào của người lớn lúc này cũng có thể đẩy các em trượt dài trong vực thẳm tối đen, không tìm ra lối thoát.
- Và cuối cùng, đừng để ai lâm vào tình trạng quẫn bách, vào bước đường cùng, đừng để cái đói dồn họ đến chân tường. Hãy cứu họ ra ngay từ đầu bằng sự chia sẻ tình thương. Ta phải hiểu rằng hiện nay miếng cơm manh áo hàng ngày đối với nhiều người vẫn là một thách thức lớn. Đồng ý là dù giàu hay nghèo ai cũng mang trên vai gánh nặng cuộc sống, nhưng đối với người nghèo thì gánh nặng ấy đôi lúc có thể nói là không thể mang nổi. Ta hãy chia sẻ với họ chứ đừng chê bai, ruồng rẫy họ.
Tôi ước ao những người khá giả - đang đủ ăn đủ mặc, tự lo cho bản thân mình được - biết thương và giúp người nghèo. Như thế, hành động chia sẻ của các bạn sẽ có ảnh hưởng tích cực lên an ninh trật tự xã hội một cách vững chắc và lâu dài. Đó thật là một sức mạnh có thể trấn áp tội phạm mà không cần một đạo quân.
Thánh Gandhi nói: « Sức mạnh lớn nhất trên cõi đời này là sức mạnh của lòng nhân ái ».