Tác giả Chủ đề: Tốt vs Lương Thiện  (Đã xem 2400 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi oliu

Trả lời #2 vào: 23-01-2013 09:30:40
Để cám ơn banron về bài viết trên, xin gửi cả nhà một câu chuyện có đủ các tính từ: tốt, xấu, lương thiện và bất lương.
----------------

Trong phòng xử, vị thẩm phán tên là Marzuki, mang một tâm trạng nặng nề khi phải xử một vụ trộm cắp, một bà lão bị buộc tội ăn cắp sắn.

Bà lão tường trình lại đầu đuôi câu chuyện của mình. Gia cảnh của bà nghèo, con trai bệnh, cháu trai đói, bất đắc dĩ bà mới đi trộm sắn. Nhưng, ông quản lý vườn sắn kiên quyết khởi tố bà lên tòa, xem đó là một sự trừng phạt dành cho bà.

Vị thẩm phán đó đọc xong bản khởi tố, thở dài và nhìn bà lão nói :

“Xin lỗi bà ! Tôi không thể không tuân thủ luật pháp, pháp luật vẫn là pháp luật, vì thế tôi kết án bà có tội, bà phải nộp phạt 1 triệu Rp, nếu không sẽ phải ngồi tù hai năm rưỡi.”

Bà lão gục mặt xuống đau khổ đến nghẹn lời.

Bất ngờ, thẩm phán cởi bỏ mũ, từ ví rút ra 1 triệu Rp, đặt vào trong mũ. Sau đó nói với tất cả mọi người trong tòa :

“Trước danh nghĩa công lý, tôi cũng tuyên phạt tất cả mọi người trong phòng xử, mức phí là 50 ngàn Rp, bởi vì các bạn sống trong thành phố này, lại để cho một người phải sống vì đói, dẫn đến hậu quả phải đi trộm thức ăn về nuôi cháu trai của mình.”

Thẩm phán lấy mũ truyền xuống dưới, những người có mặt tại hiện trường đều phải nộp phạt 50 ngàn Rp, bao gồm cả ông quản lý vườn sắn.

Trước khi rời phiên tòa, tiền phạt đã nhận được là 3 triệu 500 ngàn Rp. Số tiền ấy dùng để giúp bà lão nộp phạt, bà lão vừa vui mừng vừa cảm động đem số tiền còn lại mang về nhà.


Sưu tầm internet

 


Ngủ rồi banron

Trả lời #1 vào: 23-01-2013 00:01:17
Mới giao xong hàng về “Man of Value vs Man of Success” đã nhận ngay order mới: Người “Tốt” và người “Lương thiện” có gì khác nhau không? Khách hàng lần này (Chichchoe Thany) dễ chịu hơn, có thể giao hàng lúc nào cũng được, không khó như khách hàng trước (Opla) đòi phải giao liền.

Rõ ràng phân biệt 2 sự vật khác nhau nhiều thì dễ hơn là phân biệt 2 sự vật khác nhau ít hoặc gần giống nhau. Với “tốt” và “lương thiện” lại càng khó vì chữ “lương” có nghĩa là tốt mà chữ “thiện” cũng có nghĩa là tốt nên chúng giống nhau nhiều quá.

Nhưng thực sự hai chữ đó có chỗ khác nhau đấy.

* Tốt:

-       Thức khuya học bài thì tốt cho việc trau giồi kiến thức, cho việc chuẩn bị sự nghiệp tương lai nhưng không tốt cho sức khỏe… Ta nói: một hành động có thể tốt cho việc này nhưng không tốt cho việc kia.

-       Tăng lương thì tốt cho người nhận lương nhưng không tốt cho doanh nghiệp trong những hoàn cảnh nhất định… ta nói: tốt cho người này nhưng không tốt cho người khác

-       Trải thảm đỏ thu hút nhân tài làm đội ngũ của mình mạnh lên nhưng đồng thời nó cũng làm cho nơi khác bị mất người… ta nói: tốt ở nơi này nhưng không tốt ở nơi khác.

-       Tiết kiệm chi tiêu một cách triệt để sẽ cải thiện tình trạng tài chính cho gia đình nhưng không giúp tăng trưởng nền kinh tế của xã hội… ta nói: tốt cho bộ phận nhưng không tốt cho toàn thể.

Như vậy những “tốt xấu”, “đúng sai” hay “thị phi” là mang tính tương đối. Nói về con người cũng thế, nhiều lúc ta phải chấp nhận sự trách móc, hiểu lầm hoặc thậm chí phản đối khi làm việc tốt.

 * Lương Thiện:

Nhưng “lương thiện” thì khác. Bạn có thể yên tâm là mình luôn được ủng hộ, luôn nhận được sự đồng tình của người khác khi sống lương thiện. Ngược với lương thiện là “bất lương”. Giữa “lương thiện” và “bất lương” hoàn toàn không có sự nhập nhằng khái niệm như tốt và xấu.

-       Người tốt có thể đóng thuế nhiều cho xã hội nhưng đôi khi đóng không đủ; Người lương thiện đóng thuế đủ dù đóng không nhiều

-       Người tốt có thể không giẫm lên một đoạn dây thép gai; người lương thiện lượm đoạn dây thép gai đó lên để người đi sau khỏi vô ý đạp vào

-       Người tốt có thể chọn cách xử lý linh động, bất chấp nội quy để hoàn thành một việc khó nào đó cho cơ quan; Người lương thiện chọn cách trình bày đầy đủ chi tiết những khó khăn vướng mắc và chờ sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền trước khi tiến hành phương án mà mình đã nghĩ ra

-       Người tốt giúp người vì họ biết đó là điều tốt phải làm; người lương thiện giúp người vì họ thấy người đau khổ đó giống hình ảnh người thân của họ.

Người lương thiện có thể thích hay không thích một ý kiến, một bộ phim, một điều luật… nhưng họ không vì lợi ích cá nhân mà có những hành động, lời nói gây hại cho người khác. Nhận định của họ đúng thì họ sẵn lòng giúp cho người khác hiểu, nhận định của họ sai thì họ cũng sẵn lòng học hỏi, lắng nghe để tiến bộ. Dẫn tới hệ quả là khi tham gia tranh luận, những lời được nói ra bởi người lương thiện là “cám ơn” và “xin lỗi”, trong khi đó những dấu hiệu nhận biết kẻ bất lương là những câu lý luận tung hỏa mù, làm mọi thứ rối tinh lên hay dùng những lời đao to búa lớn .

Trịnh Công Sơn nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… dù chỉ để gió cuốn đi”. Ta hiểu ông muốn nói rằng sống trên đời nên lương thiện, dù đến khi chết không làm được sự nghiệp gì lớn thì vẫn quý hơn những kẻ có nhiều tài năng mà sống bất lương.

Tóm lại, Tốt-Xấu đôi khi tùy thuộc vào văn hóa, hoàn cảnh, thời gian mà xác định. Người tốt có thể bị hiểu lầm hoặc đánh giá sai. Trong khi đó lương thiện là một tính từ khẳng định rõ ràng cái chân giá trị của một con người, không ai có thể hiểu nhầm hoặc bài bác, và cái giá phải trả nếu có của người lương thiện chỉ là họ hiếm khi thành công trong một xã hội đề cao vật chất mà thôi.

Chúc cả nhà luôn vui.