http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/395465/Ben-tro-cuoi-doi.htmlThứ Năm, 19/08/2010, 11:45 (GMT+7)
Phóng sự ảnh
Bến trọ cuối đời
TTCT - “Bến trọ cuối đời” là ngôi chùa Lâm Quang nằm yên bình trong một con hẻm ở Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TP.HCM. Năm 1994 chùa bắt đầu đón các cụ già neo đơn về chăm sóc.
Trước ngày vào đây có cụ đi bán vé số, có cụ đi giúp việc, có cụ lượm ve chai... nhiều cụ đơn độc với cuộc sống lầm lũi trên vỉa hè. Không con không cháu nên cả cuộc đời cực nhọc, cô đơn, nhưng những ngày cuối đời các cụ được an vui trong mái nhà chung này.
Bến trọ này là chốn bình an của các cụ trong những ngày cuối đời - Ảnh: Đ.D. - Đ.T.
Hiện chùa có 15 sư cô chăm sóc 100 cụ già ở độ tuổi 60-95, một nửa trong số đó là những cụ bị lẫn và không tự chăm sóc được cho mình. Sư cô Diệu Sơn nói: “Các sư cô xuất gia không có gì riêng tư nên đón các cụ về đây sống vì muốn chia sẻ với những người bất hạnh, chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Cố gắng làm sao để những ngày cuối đời của các cụ được an vui”.
Các sư cô đảm nhận luôn công việc của bác sĩ để khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các cụ già - Ảnh: Đ.D. - Đ.T.
Cụ bà Trần Thị Nhị cả cuộc đời sống rày đây mai đó, ở bến trọ này chú mèo vàng là người bạn thân luôn bên cụ - Ảnh: Đ.D. - Đ.T.
Cụ Nguyễn Thị Nhành (81 tuổi, ngồi xe lăn) không con cháu, không họ hàng thân thích. Tuổi cao sức yếu không còn khả năng làm nghề giúp việc nhà nữa nên hôm nay chủ nhà gửi cụ vào đây để cụ được bình yên tuổi già. Có lẽ nơi đây sẽ là bến trọ cuối cùng cuộc đời trôi nổi của cụ - Ảnh: Đ.D. - Đ.T.
Cụ Nguyễn Kim Liên, 71 tuổi, thời trẻ cụ rời vùng quê Rạch Giá, Kiên Giang đến TP.HCM mưu sinh. Cách đây hơn một năm lần lượt con gái và cháu gái của cụ mất, cụ cô đơn giữa cuộc đời. Chùa Lâm Quang đón cụ về nuôi dưỡng. Một bất ngờ lớn với cụ là tại đây cụ gặp lại chị gái của mình là Nguyễn Thị Quyến, 73 tuổi, đã lưu lạc bao nhiêu năm - Ảnh: Đ.D. - Đ.T.
Cứ 8g sáng khi trời nắng ấm, 15 sư cô lại bế lần lượt từng cụ đi tắm - Ảnh: Đ.D. - Đ.T.
Sư cô Diệu Sơn trò chuyện với các cụ già trong chùa. “Phải chịu khó hiểu tâm lý các cụ để các cụ cảm thấy được thương yêu. Các cụ đã cao tuổi và đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt nên dễ tổn thương” - sư cô Diệu Sơn nói - Ảnh: Đ.D. - Đ.T.
ĐÌNH DÂN - ĐỨC THANH