Nguồn:
http://dantri.com.vn/su-kien/chieu-bai-moi-mao-danh-phong-vien-dan-tri-de-lua-dao-hoan-canh-nhan-ai-793155.htm(Dân trí) - Hình thức lừa đảo bằng chiêu thức đề nghị các hoàn cảnh nhân ái ứng một số tiền để làm thủ tục kết chuyển số tiền hàng trăm triệu mà họ sẽ được nhận từ kẻ xấu vốn đã quá quen thuộc và ít người bị mắc lừa thì nay đã biến thể sang một hình thức mới nguy hại hơn.
Trong thời gian qua, những kẻ xấu chuyên lừa đảo các hoàn cảnh nhân ái mà Dân trí đăng tải vẫn tiếp tục hoành hành từ Nam, chí Bắc. Bất cứ một bài viết nhân ái nào vừa được đăng lên Dân trí, phía gia đình đều thông báo cho PV Dân trí là họ nhận được nhiều cuộc điện thoại của kẻ lừa đảo, với nội dung chúng vừa kêu gọi được các nhà tài trợ giúp cho gia đình một số tiền lớn (thông thường là 100 đến 200 triệu đồng – PV), đổi lại phía gia đình muốn nhận số tiền trên phải làm thủ tục là ứng trước cho chúng một số tiền (người ít thì vài triệu đồng, người nhiều thì chúng đề nghị vài chục triệu đồng –PV) để chúng chuyển cho gia đình số tiền hàng trăm triệu nói trên.
Tuy nhiên, rất ít hoàn cảnh nhân ái mắc bẫy của những kẻ lừa đảo do đã được PV Dân trí trong quá trình xác minh giúp đỡ đã thường xuyên phổ biến cho mọi người đề phòng các thủ đoạn trên. Và nếu có những vấn đề gì nghi vấn, các hoàn cảnh nhân ái sẽ liên lạc với PV Dân trí để nắm rõ thông tin sự việc tránh sập bẫy của những kẻ chuyên làm ăn trên các nỗi đau.
Thế nhưng, mới đây PV Dân trí nhận được phản ánh từ các hoàn cảnh nhân ái, hình thức lừa đảo này tiếp tục được biến thể và nguy hại hơn trước. Đó là những kẻ xấu vẫn sử dụng chiêu thức cũ nói trên, nhưng để các hoàn cảnh nhân ái tin tưởng hơn, chúng tự nhận luôn tên của PV Dân trí để tạo sự tin tưởng với các hoàn cảnh nhân ái
Em Lý Gia Thiều, nhân vật trong bài Lời cầu cứu của cô sinh viên tật nguyền chăm mẹ ung thư (Mã số 1194) gọi điện cho chúng tôi biết, một người giọng nữ tự xưng là thủ quỹ của Báo Dân trí đang làm thủ tục kết chuyển số tiền 120 triệu đồng cho em, nhưng để số tiền trên nhanh đến với gia đình thì đề nghị em ứng trước 5 triệu đồng chuyển cho cô ta làm phí chuyển khoản.
Tuy nhiên, khi nghe em Thiều bảo là hoàn cảnh hiện tại của em quá khó khăn, đến tiền ăn uống còn không có thì lấy đâu ra 5 triệu để chuyển khoản. Giọng nữ trên liền chuyển sang hình thức đề nghị em Thiều mua thẻ điện thoại Viettel mệnh giá 1 triệu làm phí chuyển khoản. Nghi ngờ về việc lừa đảo, em Thiều đã gọi điện trực tiếp đến tòa soạn Dân trí thì sự việc mới được sáng tỏ.
Trường hợp thứ hai là vừa mới hôm qua, hoàn cảnh của mẹ con bà Phạm Thị Dung, có con trai là Lê Xuân Hùng đang học đại học Y năm thứ 2 bỗng dưng mắc bệnh tâm thần (nhân vật trong bài Chàng trai bỗng dưng hóa điện khi học đại học Y, mã số 1203) vừa mới được đăng trên Dân trí thì ngay trong ngày, bà Dung đã gọi điện đến PV Dân trí để xác minh thông tin mà kẻ lừa đảo vừa bày ra.
Những kẻ lừa đảo đan tâm nhắm vào những trường hợp đáng thương như em Thiều để lừa lấy tiền
Bà Phạm Thị Dung cùng cậu con trai bị bệnh tâm thần suốt 8 năm nay sau khi đang học đại học Y cũng bị kẻ xấu không tha
“Hắn có lẽ là người miền Trung chú ạ. Hắn xưng hẳn tên là “anh Thế Nam” của báo Dân trí, vừa kêu gọi cho gia đình được 400 triệu đồng (?!) và đề nghị gia đình tôi ứng trước 4 triệu đồng để hắn làm thủ tục chuyển khoản cho gia đình. May là tôi gặp anh Thế Nam thật ở ngoài đời rồi nên tôi biết không phải, nhưng để cẩn thận hơn tôi gọi điện lại vừa là thông báo cho anh sự việc, vừa để khẳng định sự việc bất minh này”, bà Dung chia sẻ với PV Dân trí.
Vậy là qua hai sự việc trên, có thể thấy thủ đoạn lừa đảo của những kẻ xấu nhằm vào các hoàn cảnh nhân ái ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và trắng trợn hơn. Vì vậy chúng tôi mong bạn đọc Dân trí cũng như các hoàn cảnh nhân ái cần đề cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt khi nhận những cuộc điện thoại đề nghị “ứng tiền làm thủ tục chuyển khoản” cần phối hợp với Dân trí và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh.
Thế Nam