Gần đây, DD lại có những cuộc tranh luận không cần thiết mà nguyên nhân là từ khâu xác minh. Vậy, Theanh xin chép lại một bài viết mà mình đã post từ lâu, có bổ sung thêm chút ít để chia sẻ với mọi người.
Mong nhận được thêm những góp ý, chia sẻ từ các bạn để chúng ta có một “bộ nguyên tắc căn bản” trong việc đi xác minh. Xin chân thành cảm ơn sự góp sức và chia sẻ của các bạn!
I. MỤC ĐÍCH XÁC MINH TRÊN DĐ:
Tìm hiểu sự thật qua thực tế và những chứng cớ cụ thể để đi đến hành động là có nên giúp đỡ hay không một hoàn cảnh nào đó? Giúp đỡ như thế nào thì hợp lý?
Có mấy điều dễ nhầm lẫn khi đi xác minh:
-Xác minh là phải đi đến trực tiếp, thực tế chứ không phải gián tiếp bằng cách: gọi điện, hỏi qua người khác đã đi trước đó, thông qua bài viết từ web, báo chí, truyền hình… Và cũng không nên bị mặc định bởi những thông tin đó trong quá trình xác minh, có như vậy thì bạn mới giữ được sự khách quan cần thiết khi tiếp cận thông tin.
-Xác minh là để biết sự thật nhằm đi đến hành động giúp đỡ hay không giúp đỡ, chứ không phải để bày tỏ cảm xúc, đồng ý hay không đồng ý với lối sống, cách sống… của hoàn cảnh đó.
-Mục tiêu của việc xác minh và giúp đỡ trên diễn đàn NTCM là thông qua hoạt động này để Lan tỏa lòng nhân ái, chứ không phải để thay đổi cuộc sống của nhân vật theo ý muốn chủ quan của chúng ta.
-Sự thật thực tế luôn thay đổi theo thời gian, thời điểm vì thế khi phán xét phải thận trọng và đặt nó trong một quá trình vận động chứ không phải đứng yên.
II. CÁC BƯỚC CƠ BẢN KHI XÁC MINH:
1. Trước lúc đi xác minh: Từ thông tin người khác giới thiệu, bạn nên kiểm tra lại một lần cuối trước khi quyết định đi xác minh để đỡ tốn thời gian (điều này cũng giúp bạn có những thông tin nền để tìm hiểu tiếp theo). Bạn có thể liên hệ với người giới thiệu để biết thêm về họ tên, địa chỉ, đường tới đó và thời gian nào thì dễ dàng gặp được nhân vật? Nếu có số điện thoại thì nên ghi lại phòng hờ, nhưng không nên điện báo trước.
Bạn cũng có thể thông qua tổng đài 1080 để hỏi số điện thoại ông trưởng thôn, hay ủy ban xã để hỏi thêm thông tin về trường hợp này trước khi quyết định tới đó.
Nguyên tắc của DD là người đi xác minh không phải là người giới thiệu hoàn cảnh (nhưng người giới thiệu có thể đi cùng).
Trước khi đi nên thông báo thời gian đi trên DD để các thành viên khác có điều kiện thì cùng đi.
Nhóm xác minh tối thiểu phải có ba người trở lên. (Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chỉ có 1 - 2 người đi. Đó là do điều kiện quá xa, và người đi xác minh là người được DD tín nhiệm, chấp thuận.)
2. Đi xác minh:
a. Thông tin cần hỏi: Bạn đừng quên hỏi lại tên tuổi đầy đủ trên giấy tờ của nhân vật một lần nữa dù đã được giới thiệu, và cả tên thường gọi ở nhà. Tuổi tác, gia đình gồm có mấy người? Thu nhập chính như thế nào? Bệnh tình, hoàn cảnh hiện tại ra sao? Đã từng chữa trị ở đâu (nếu bị bệnh) hay đã từng làm những nghề gì (nếu nghèo khó)?... Nói chung là có càng nhiều thông tin càng càng tốt!
b. Các nguồn hỏi: Điều tối quan trọng là những thông tin thu thập được tối thiểu phải từ ba nguồn tin độc lập thì mới gọi là tin cậy được. Thứ nhất các bạn hỏi chính nhân vật đó, thứ hai là chính quyền (trưởng thôn-phường, xã, hội phụ nữ...), thứ ba là những người hàng xóm (gần và xa).
c. Cách hỏi: Mỗi người sẽ có mỗi cách phù hợp theo kinh nghiệm riêng của bản thân. Tuy nhiên có mấy điều sau theo mình là cần thiết để có thể nhận được sự hợp tác của nhân vật. Việc trước tiên khi mới đến chúng ta phải giới thiệu mình, mục đích đến thăm. Sau đó là tạo cảm giác thoải mái, thân mật với nhân vật bằng những câu chuyện thăm hỏi.
Tránh vừa mới đến là nhảy vô \\\"hỏi cung\\\" liền, làm người ta ngại... Việc chụp hình nên làm ở khâu cuối cùng, và phải xin phép họ. Với những trường hợp bị nhiễm HIV thì bạn phải có giấy cam kết của nhân vật đồng ý cho sử dụng hình ảnh này rộng rãi trên DD để tránh tranh chấp về pháp lý.
Nếu khi hỏi, có những vấn đề nghi ngờ, mâu thuẩn trong cách trả lời thì không nên chất vấn lại liền, hãy nhớ lấy và làm việc này sau cùng. Hãy lắng nghe và ghi nhớ nhiều hơn nói, nếu có câu chữ nào họ nói mà hiểu chưa rõ thì nên hỏi lại họ, không nên phán đoán theo chủ quan của mình. Nếu có trẻ con trong nhà thì nên tỷ tê với đám nhỏ vài phút, vì \\\"đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ\\\" mà!
Ngoài việc hỏi thì nên cố gắng quan sát thái độ và những hình ảnh tưởng như nhỏ nhoi xung quanh. Bạn nên đảo mắt một vòng quanh nhà, xuống bếp xem sinh hoạt của họ thế nào?
Sau đó bạn có thể lang thang ở một quán cà phê gần đó, hỏi thêm vài ba người hàng xóm và so sánh những thông tin mà chính nhân vật cung cấp. Nếu có điểm khác biệt thì phải tìm cách làm rõ việc này qua chính quyền hay một vài người nữa...
Trước khi chia tay họ, bạn không nên hứa bất cứ sự giúp đỡ nào nếu như chưa có sự chắc chắn. Vì như thế sẽ làm họ hy vọng tội nghiệp, và người xác minh cũng mất đi sự khách quan cần thiết, vì đã hứa thì có thể sẽ viết bài xác minh theo chiều hướng đạt được lời hứa.
Cuối cùng, người xác minh đòi hỏi phải cố gắng bình tỉnh, tránh để cảm xúc nhất thời làm lung lay mục đích chính: Đi tìm sự thực!
3. Sau khi xác minh: Việc sau khi một thành viên đi xác minh về là viết bài và post hình ảnh lên cho DD được biết. Bài viết cố gắng ngắn gọn nhưng súc tích, kèm theo những đề xuất giúp đỡ trên cơ sở thực tế.
III. MỘT VÀI LƯU Ý:
-Cố gắng thu thập càng nhiều “chứng cứ” cụ thể càng tốt, chứ không chỉ dừng lại ở mức hỏi qua loa, cảm nhận – phán đoán chủ quan, cảm tính. Ví dụ, khi người ta nói bị bệnh Phổi, thì cố gắng hỏi họ có giấy khám bệnh gần đây nhất không? Khám ở đâu?... Hay khi họ nói tui phải vay ngân hàng 5 triệu để nuôi heo, thì bạn phải khéo léo xin xem cái quyển sổ nợ, rồi xin phép sao chụp lại, đối chiếu với họ tên trên giấy tờ tùy thân….
-Quá trình xác minh cố gắng thu thập thêm các số điện thoại, địa chỉ liên quan để khi cần có thể liên lạc, hỏi han thêm như: số điện thoại bác hàng xóm, ông tổ trưởng dân phố, người em, người anh, chị….
-Khi giới thiệu, chúng ta nên nói rõ chúng ta không phải là một tổ chức nhà nước hay một tổ chức nước ngoài... nào có khả năng tài chính mạnh, mà chỉ là những anh em gom góp vài trăm ngàn giúp đỡ người nghèo khó. Vì thông thường người ta hay ỷ lại nhà nước và các tổ chức nước ngoài, vì theo họ với đối tượng này giúp vài trăm ngàn thì có đáng là bao... Từ chuyện này họ cố kiếm được tiền người khác giúp mà không cần biết đến người cho như thế nào. Chúng ta nói rõ để họ chia sẻ.
-Một số người do nghèo khó nên họ tìm cách bi đát hoá hoàn cảnh, kêu rên quá thực tế để mọi người rủ lòng thương. Tất nhiên chúng ta thông cảm cho họ, nhưng cũng giải thích cho họ rõ là nếu anh nhận phần này thì người nghèo hơn anh sẽ không có phần. Nếu phát hiện ra chuyện này thì chúng ta cũng phải tế nhị giải thích.
-Khi đi xác minh, chúng ta cũng không tránh được những đố kị của hàng xóm, nên phải cẩn thận khi tiếp nhận thông tin.
-Thái độ đi xác minh là phải thân mật, hòa nhã, khiêm tốn, yêu thương, tỏ thái độ thăm hỏi chứ không phải đi “điều tra”.
-Lưu ý: Với hoàn cảnh bị HIV/AIDS khi đăng tải trên DD phải được chấp thuận của chính cá nhân đó, có cam kết bằng giấy hẳn hoi. Không được viết trên Diễn đàn là HIV/AIDS, mà chỉ nói là bệnh mãn tính... Không đăng tải hình ảnh rõ mặt của họ lên DD.
Mong nhận thêm được nhiều ý kiến đóng góp. Cảm ơn và chúc mọi người vui!