Chào cả nhà!
Được sư giới thiệu của một người bạn, mình và các bạn Tình Người, loannguyen, Kiều, Trâm có dịp ghé thăm Ấp đảo Thiềng Liềng – xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh.
Ít ai biết rằng, ở một đô thị sầm uất, nhộn nhịp như TP. HCM lại có một ấp đảo nhỏ chỉ với hơn 200 hộ dân, vẫn chưa có lưới điện quốc gia kéo đến như thế này.
Để đến được ấp đảo xa xôi này, chúng ta cần phải đi qua 2 chuyến đò. Từ thị trấn Cần Thạnh, mất gần 1 giờ đồng hồ để ra tới đảo Thạnh An, mỗi ngày chỉ có khoảng 5 chuyến. Khi tới Thạnh An, phải đi chuyến đò nữa, mất cũng khoảng 45 phút mới tới được Thiềng Liềng, mỗi ngày chỉ có 2 chuyến ra đảo nên việc đi lại khá vất vả.
70% người dân ở Thiềng Liềng sống bằng nghề làm muối, họ chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây… nhưng chỉ làm muối được 6 tháng vào mùa nắng. Nghề còn lại là đánh bắt thủy sản cũng chỉ có thể phát triển ở mức tương đối vì điều kiện còn thiếu thốn. Đất đai phần lớn bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt nên không thể trồng trọt, cây trên đảo chiếm đại đa số là cây me, và các loại cây sống ở vùng nước mặn như đước, bần, mắm, sú,…
Hàng ngày tất cả thực phẩm của ấp đảo trông vào 1 chiếc ghe chở rau củ, thịt, cá từ đất liền ra. Mọi thứ ở đây, trừ muối, đều đắt gấp rưỡi, gấp 2 lần đất liền nhưng thực phẩm vẫn rất khan hiếm. Người dân trên đảo, quanh năm chỉ có tàu hũ và rau muống. Thịt heo, thịt gà còn có, nhưng thịt bò là thứ thực phẩm xa xỉ với người dân đảo. Những khi biển động dài ngày, người dân chỉ có cơm với cá khô.
Với hơn 400 héc-ta diện tích làm muối, mỗi năm Thiềng Liềng sản xuất trên 20.000 tấn muối. Mùa làm muối bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tùy theo điều kiện thời tiết mà mỗi đợt muối có thể làm trong khoảng từ 3 đến 4 tuần.
Ở Thiềng Liềng chưa có điện lưới quốc gia. Năm 2011, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và UBND huyện Cần Giờ làm lễ khánh thành dự án điện mặt trời, người dân nơi đây mới có ánh điện để sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, điện từ năng lượng mặt trời còn hạn chế, chỉ sử dụng vào sinh hoạt, sản xuất nhỏ lẻ, xem ti vi, sử dụng quạt và thắp sáng, còn nấu cơm điện thì cũng phải hạn chế vào những ngày ít nắng và ban đêm. Tiền điện trung bình của các hộ dân ở đây là khoảng 900.000 đồng/năm.
Những chuyến đò xuất phát từ sáng sớm, là phương tiện duy nhất để người dân di chuyển từ đến những vùng lân cận, học sinh đi học, người dân đi chợ, đi làm. Những chuyến đò này là niềm hy vọng về một ấp đảo phát triển, đầy đủ hơn trong tương lai.
Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu được các tàu chở từ đất liền ra. Trên đảo có 1 trạm dự trữ nước, dung tích khoảng 110m3, có hệ thống đường dẫn dẫn đến từng hộ, mỗi ngày chỉ xả nước 1-2 lần. người dân mua lại với giá 5.000đ/m3.
Qua trao đổi với chú Hai Huỳnh – trưởng ấp, chú cho biết số hộ nghèo ở đây là 82 hộ, trong đó có 10 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già yếu, ốm đau, bệnh tật). Trên đảo chỉ có một trường tiểu học với tổng số là 63 em – tính từ mẫu giáo đến lớp 5, cấp II có 37 em – phải đi đò ra xã đảo Thạnh An để học, cấp III có 18 em, phải vào tận đất liền để học.
Cuộc sống trên đảo đơn sơ và còn khó khăn.
Nhằm gắn kết tình thương từ mọi miền đất nước, từ vùng sâu vùng xa, vùng núi cao hiểm trở, cho đến vùng hải đảo xa xôi…. Nhóm mong muốn tổ chức một CT tặng quà cho hộ nghèo như gạo, gia vị, mì gói,…. Vui chơi, giao lưu với các em nhỏ trên đảo, phát tập, sách, viết,… để khuyến khích tinh thần cho các em học tốt hơn. Kế hoạch cụ thể, letuantu sẽ gửi lên sau.
Mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người để CT có thể thực hiện, cùng chung tay giảm bớt phần nào khó khăn cho bà con nghèo nơi đây,cũng như gắn kết mọi người, tuy xa cách về địa lý nhưng gần gũi về tấm lòng.
Chi tiết liên hệ: chú Hai Huỳnh (Trưởng ấp): 0982122107
Cảm ơn sự quan tâm của cả nhà.
Thân!