Người cha bệnh tật và cậu học trò đầy nghị lực.
Biết được thông tin thằng bé Linh thi đỗ đại học Cần Thơ, cả tuần nay ở xóm Mộ Địa này ai cũng đều hớn hở, mọi người mừng cho gia đình ông Sáu Chậm, mừng cho thằng bé Linh “gầy” (Bạn bè thường đặt cho em biệt danh như thế), đã vượt qua nghịch cảnh nghèo khó với ý chí và nghị lực vươn lên, và nay Linh “gầy” đã thành công, em đã thi đỗ ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Cần Thơ.Nnhưng đằng sau sự mừng vui ấy là cả một sự lo âu, không biết rồi đây thằng bé có đủ điều kiện để bước tiếp đến giảng đường hay là phải ngã bước trước cuộc sống hiện tại của gia đình em lâu nay vốn đã sống trật vật, muốn có được một bửa cơm no lòng còn khó, huống hồ nay phải cần đến một số tiền không nhỏ để làm các thủ tục nhập học, còn phải mua tài liệu…Nghĩ đến các khoản chi phí cho cả bốn năm học Đại học thì quả thật đối với hoàn cảnh hiện này của gia đình em là một điều không tưởng.
Em Trần Văn Vũ Linh, sinh năm 1993, ngụ ấp Mỹ Phước 1 xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ít ruộng đất lại có đến 5 anh chị em, trong đó, một người chị đã chết cách nay hơn hơn 10 năm vì căn bệnh ung thư, một chị khác mang chứng tâm thần được gửi vào trại, một chị nữa thì lấy chồng xa nhưng cuộc sống cũng nghèo khó và thường xuyên bệnh tật, người anh lớn thì đã có vợ và đang làm mướn tận Bình Dương, người mẹ thì cũng đã qua đời do chứng bệnh sốt huyết não cách nay cũng đã tám năm, căn nhà mà 2 cha con Linh đang ở để che mưa che nắng được che chắn và lợp mái tol, nền lót gạch tàu cũng được những người hàng xóm tốt bụng thương tình góp tiền lại cất cho cách đây 3 năm.
Vũ Linh đã phải sống thiếu tình thương yêu của mẹ từ khi em mới học lớp 5, bản thân em thì gầy còm, xanh xao do thường xuyên đau đầu và thiếu máu, hiện tại em phải sống với người cha tàn tật do hậu họa của chiến tranh để lại, mù một bên mắt, mắt còn lại cũng đang giảm dần cảm giác thị lực, miệng thì hơi sệt về một hướng, nước miếng chảy ra bất cứ lúc nào cũng không kiềm chế được, hiện tại sức khoẻ giảm súc rất nhiều do các chứng bệnh như tim mạch, viêm khớp, đau đầu…Đó là những căn bệnh mà người cha của Linh, ông Trần Văn Chậm, 61 tuổi đang phải gánh chịu nhưng không có tiền chạy chữa.
Bà hàng xóm tên Chưng, 57 tuổi kể lại “ Hồi đó, do nhà nghèo, ông Chậm phải đi chăn trâu mướn cho người ta, buổi trưa hôm đó, con trâu ông cởi bổng đạp mìn tan xác khi đang gậm cỏ trên cánh đồng ở ấp Mỹ An” nói xong bà hàng xóm với đôi mắt đượm buồn đưa tay chỉ về phía bên kia con gạch nhỏ.
Tuy sống với người cha bệnh tật và cuộc sống thật khó khăn, nhưng kết quả và thành tích học tập của Linh trong suốt mười hai năm học đều đạt từ khá giỏi trở lên, đặc biệt trong kỳ thi TN THPT vừa rồi em đạt số điểm là 51 điểm, và là một trong số ít học sinh của trường THPT Bình Minh đạt số điểm tối đa cho môn toán là 10 điểm, hai điểm 9 cho các môn thi Sinh học và Địa lý “Học tập là con đường ngắn nhất để đến một bến bờ tương lai tươi đẹp, vì vậy em sẽ phải cố gắng phấn đấu trên cả khả năng có thể, để sau này đỡ vất vã cho cha”, Linh “gầy” chia sẻ như thế với chúng tôi như vậy.Em còn cho biết, để có tiền đi học, ngoài giờ học em còn tranh thủ đi bẻ bưởi mướn cũng được vài chục ngàn/ buổi để trang trải việc học tập của mình.
Lúc chúng tôi đến cũng là lúc cậu học trò nhỏ này đang sửa lại chiếc xe đạp, nhìn vẻ mặt xanh xao ghòm nhom cao nghịu, đang cố sửa chiếc xe đạp cà tàn, cũ kỉ, Vũ Linh cho biết “Em sửa lại xe chuẩn bị đi học, nhưng cũng không biết có tiền để đi học không nữa!” em rưng rưng đưa vai áo lên chùi vội hai hàng nước trào ra từ đôi mắt đỏ hoe.
Biết được ý định của chúng tôi khi đến thăm gia đình, ông Trần Văn Chậm, cha của Vũ Linh bước chậm chạp về phía góc bếp nhóm lửa bắc lên ấm nước, pha vội bình trà rồi mang ra mời khách, ông cố gắng mới nói trong đứt quãng từng câu không rõ ràng cho lắm, vì miệng của ông bị sệt về một hướng, nước từ trong miệng cứ chảy tuồng ra càm ướt nhèm, phải cố gắng lắm chúng tôi mới ráp lại từng câu từng chữ một mới hiểu được, nôm na mà hiểu rằng, hồi đó khi còn khỏe ông thường đi vác đất, cuốc đất muớn cho người ta, kiếm tiền nuôi con ăn học, và trang trải qua ngày, giờ thì sức khoẻ không còn nên không ai thuê nữa nên cũng buồn lắm, thu nhập cũng không còn như xưa.
Bà Đinh Kim Chưng, một người hàng xóm của gia đình này cho biết, “Xóm giềng ở đây ai cũng thương cho hoàn cảnh của gia đình anh Sáu Chậm, tuy có vẻ ngoài khù khờ nhưng anh rất siêng năng, hễ ai thuê gì thì làm nấy mà làm rất được việc nữa, nên trước kia lúc còn khỏe mạnh anh luôn được mọi người thuê từ việc phát cỏ, nạo vét mươn vườn, mương rẫy, vác và cuốc đất, lên liếp..vv….nhưng từ khi phát bệnh đến nay thì…”, bà Chưng sựng lời im lặng trong vài giây rồi tiếp lời “Tội nghiệp anh Sáu, gà trống nuôi con vậy mà thằng bé Linh nó học rất giỏi, năm nào cũng lãnh thưởng và mới đây còn thi đậu Đại học nữa chứ!, mọi người ở đây ai cũng vui vì lâu rồi ở cái xóm nhỏ này có mấy đứa học đại học đâu, nhưng càng mừng thì càng lo cho tương lai của thằng nhỏ, nhà nghèo, cha bệnh cũng chẳng biết làm sao đây !?”, bà hàng xóm thở dài chùng giọng.
Ông Nguyễn Văn Cậy, 60 tuổi, một người hàng xóm khác cho hay “Hiện tại gia đình này đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn,cả hai cha con đều bệnh, mấy năm nay cha con Linh phải sống nhờ vào số tiền ít ỏi mà thằng Khiêm, con trai lớn của ông Sáu làm thuê từ Bình Dương gửi về cho, nhưng chừng vài ba tháng mới có được vài ba trăm ngàn thì làm sao mà sống chứ!?, mà miếng vườn bưởi không đầy 1 công cũng đã cằn cỏi do lâu ngày rôi không có bàn tay chăm sóc, bón phân cũng như trồng lại như những mảnh vườn khác, giờ nếu không có tiền mà thằng Khiêm gửi về thì mỗi tháng gia đình này không thu nhập được 100 ngàn nữa là..nói gì đến việc phải lo nỗi cho con tiền đi học?”
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Năm, trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Phước 1 cho biết, “Đối với hộ ông Trần Văn Chậm thì rất khó có thể xét cho ông là hộ nghèo để được hưởng các chính sách theo quy định, vì hiện tại còn 2-3 nhân khẩu nằm trong tuổi lao động, tuy đến nay chỉ có ông và đứa con trai Út sống trong nhà, các con ông người đã có vợ, có chồng đi xa, chưa cắt khẩu nên khó khăn ở chổ đó,về việc học của con út ông Chậm, nó học giỏi thì ai cũng biết, chính quyền địa phương thì cũng đã vận động xin tiền cất nhà cho ông từ năm ngoái do căn nhà cũ đã hoang tàn chờ sập, giờ thì cảnh dội nắng dội mưa của cha con ông Sáu tạm ổn, còn việc tạo điều kiện để con ông Sáu được đi học bốn năm Đại học là một vấn đề nan giải của chúng tôi vì sự giúp đỡ của bà con đều có hạn và chắc phải mong vào lòng hảo tâm của mọi người để tiếp sức cho cháu có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường, thực hiện bao mơ ước hoài bảo để trở thành người có ít cho xã hội về sau.
Nhìn cảnh người đàn ông lơ ngơ với đôi kính râm đen òm trên mắt, đang cố gắng trong thế đầu vẫn cứ liên tục lắc để phát ra được từng chữ, từng câu nói, chốc lát ông lại kéo vạt áo lên chùi dòng nước trào ra từ cái miệng sệt hướng nhiễu ra ướt càm, chứng kiến cảnh ấy, thử hỏi ai không khỏi chạnh lòng thương cảm, thương cho hoàn cảnh cậu học trò nghèo, tương lai không biết sẽ về đâu khi không được giúp đỡ của cộng đồng xã hội!.
Mọi sự chia sẻ của quí bạn đọc xin gửi về ông Trần Văn Chậm, số nhà 103/2 tổ 2 ấp Mỹ Phước 1 xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
.TRUNG TÍNH