Tác giả Chủ đề: CÁI NGHÈO CỦA MỘT HỌC SINH DÂN TỘC HMÔNG  (Đã xem 8893 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi Tieukhe

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 20
  • Thích 0
Trả lời #5 vào: 12-09-2010 09:29:58
nguyenbaont đã viết:
Trích dẫn
Xin được đính chính, bài này không phải bài viết của tôi, mà là của một trong số các nhà tài trợ thay mặt nhóm lên tận nhà Sinh để trao quà + tiền cho em đi học đúng hẹn.
Tôi gửi bài này theo yêu cầu của DT100cz là\\\"kể rõ hơn về cái nghèo của học sinh ấy\\\", nhưng vì tôi bận nên đành \\\"mượn tạm\\\" bài này.
Kính mo0ng các bác thứ lỗi \\\"mượn văn\\\"
...


@nguyenbaont: mọi người vẫn hiểu như vậy, bác đã nói từ đầu rồi.
Theanh cảm ơn bạn \\\"đã mang đến\\\" còn Banron thì khen \\\"bạn của bạn\\\" đấy chứ.

 


nguyenbaont

  • bạn
Trả lời #4 vào: 12-09-2010 08:58:49
Xin được đính chính, bài này không phải bài viết của tôi, mà là của một trong số các nhà tài trợ thay mặt nhóm lên tận nhà Sinh để trao quà + tiền cho em đi học đúng hẹn.
Tôi gửi bài này theo yêu cầu của DT100cz là\\\"kể rõ hơn về cái nghèo của học sinh ấy\\\", nhưng vì tôi bận nên đành \\\"mượn tạm\\\" bài này.
Kính mo0ng các bác thứ lỗi \\\"mượn văn\\\"
Chúc một sáng chủ nhật tươi đẹp.
nguyenbaont

 


Ngủ rồi banron

Trả lời #3 vào: 12-09-2010 00:29:58
Bài viết của anh bạn của nguyenbaont thật hay, văn sáng sủa và cảm động.
Xin chung vui với các anh vì những gì các anh làm được thật là tốt đẹp.
Và đó cũng là niềm vui chung của DD NTCM, từ nay có thêm những tấm lòng nhân ái, những cây bút sắc sảo trên vùng cao.
Thân.

 


Ngủ rồi Theanh

Trả lời #2 vào: 11-09-2010 16:01:15
Cảm ơn anh Nguyenbaont đã mang đến cho NTCM một câu chuyện cảm động và nhân ái! Cảm ơn bạn DT100 đã bắc một nhịp cầu cho NTCM với Tủa Chùa xa xôi! (Hi hi..., may mà bác DT100 không dùng dãi yếm để bắc cầu nhỉ? Từ nay khoảng cách giữa Tủa Chùa (Điện Biên) với NTCM chỉ còn cách nhau một... bàn phím mà thôi).

Đọc câu chuyện mà lòng thấy vui vô cùng! NTCM, một diễn đàn dùng phương tiện internet để nối kết vòng tay yêu thương, nay đã có thể nối dài lòng nhân ái ấy đến cả nơi núi cao chưa hề có điện. Thế mới thấy, tưởng internet là nhanh, ai ngờ tình nhân ái còn nhanh và mạnh hơn cả ADSL...!

Xin cảm ơn tất cả mọi người! Chúc cả nhà vui khỏe và anh lành!

 


Ngủ rồi opla

Trả lời #1 vào: 11-09-2010 10:21:06
Thành viên đăng bài: nguyenbaont
DT100 THAN MẾN.
Tôi bận nên chưa đáp ứng yêu cầu là viết về cuộc sống nơi tôi đang ở. Xin được dùng nguyên bài của một bạn trong số các nhà tài trợ đã lên tận quê hương em học sinh đó để thăm hỏi, tặng quà + tiền để em xuống trường kịp thời.
Không phải tôi \\\"mượn văn\\\"người khác đâu nha. Mong khi đọc xong bài này sẽ có nhiều người hướng sự quan tâm của mình tới vùng cao Tây Bắc của chúng tôi.
Chúc DT100 và các thành viên diễn đàn khoẻ.

Bài viết Tìm bài viết:

CÁI NGHÈO CỦA MỘT HỌC SINH DÂN TỘC HMÔNG

Sau cú điện thoại của anh Bảo, tôi thấy một thiếu niên tất tả chạy txuống từ mé đồi nơi họp chợ. Gương mặt và thân hình em toát lên vẻ khắc khổ khó tưởng tượng được của một thiếu niên 18 tuổi. Anh Bảo nói khẽ với tôi \\\"Đó là Sinh\\\".

Sinh mặc chiếc áo dân tộc màu xanh tím than dài tay đã cũ, cái quần dài kiểu quần của người Kinh xẻ gấu (tôi không hiểu đấy là do bị rách hay là do mốt thời trang từ những năm nào), chân quần có thêm vài miếng vá. Sinh đi đôi dép tổ ong và có đôi chân đặc trưng của người dân tộc, về mặt hình thù thì nó không khác gì chân của người Kinh, nhưng nó đặc trưng ở chỗ có lẽ chả bao giờ nó được rửa ráy sạch sẽ. Sinh cao khoảng 1m60, gầy, gương mặt dài xương xẩu, làn da đen và cáu bẩn, mái tóc lòa xòa và đôi mắt toát lên sự rụt rè e ngại. Sinh chào Thầy Bảo rồi nhìn sang tôi, có lẽ em đã được báo trước về mục đích chuyến thăm của tôi nên em cười, nụ cười nửa vui, nửa thiếu tự tin. Sinh chào tôi rồi cảm ơn tôi đã lên thăm em. Gặp Sinh, bỗng dưng tôi nhớ lại những câu chuyện mà anh Bảo kể cho tôi nghe dọc đường đi:
Trường Dân Tộc Nội Trú đôi lúc cũng có cá nhân này, tổ chức kia cho học bổng cho học sinh nghèo học khá, nhưng Sinh, với thành tích học sinh tiên tiến suốt 11 năm học lại chưa một lần được nhận hỗ trợ, có lẽ do em rụt rè trong giao tiếp, hình thức lại không được sáng sủa sạch sẽ, nên họ ngại sắp sếp cho em gặp các nhà tài trợ. Anh Bảo chủ nhiệm Sinh năm lớp 10, thấy cả năm gia đình gửi hỗ trợ Sinh được 250k anh Bảo đã xin cho Sinh một mảnh đất trong trường để trồng rau, sau 3 tháng, Sinh thu được 120k thì đều đem gửi cho Thầy để lấy tiền mua quà về cho các em ở nhà. Gia đình Sinh thuộc diện rất nghèo, do là bố em nghiện thuốc phiện đã 20 năm. Trước đây, khi người H\\\'Mông còn được trồng cây thuốc phiện thì việc nghiện ngập này không ảnh hưởng nhiều đến gia đình, nhưng 20 năm trở lại đây, nhà nước cấm trồng loại cây này thì đồ đạc trong nhà Sinh đội nón ra đi hết, nhiều vụ lúa còn đang ngậm đòng trên nương nhưng bố em đã bán cho lái buôn để kiếm tiền hút thuốc. Anh Bảo giải thích thêm, với người Kinh thì nghiện là tội tày trời, nhưng với người Mông, dù bố có nghiện thì vẫn được cả gia đình kính trọng và phục tùng, người đàn ông đó vẫn có đầy đủ quyền lực của một cái cột mục trong gia đình.

Đứng với Sinh được một lát thì anh Làng, phó công an huyện đến và đưa chúng tôi về nhà anh uống nước. Tôi hỏi anh:
- Nhà Sinh thuộc diện nghèo của huyện phải không anh? anh Làng cười:
- Cả cái huyện này nghèo chứ đâu phải mỗi nhà thằng Sinh. Anh kể thêm: \\\"ngày nó thi vào trường cấp 3 nội trú, thấy nó mặc cái quần đùi rách, đầu thì đầy chấy đi thi, thế mà nó lại thi đỗ gần như cao điểm nhất\\\". Anh cũng xác nhận với tôi chuyện bố Sinh là con nghiện lâu năm. Nghe vậy, tôi quyết định thay đổi phương án, tôi tặng quà cho Sinh tại nhà anh Làng, quà tặng gồm một hộp bánh Trung Thu và 2 triệu đồng. Nhưng mà 2 triệu Sinh cầm trên tay kia chỉ là để cho tôi chụp ảnh khoe mẽ mà thôi. Còn thì sau đó anh Bảo sẽ giữ, chúng tôi chỉ giao cho Sinh 200k đủ để đi xuống nhà Thầy Bảo trước khi nhập học, Thầy sẽ giúp Sinh mua sắm vài thứ lặt vặt, 2 bộ quần áo (nghe anh Làng kể có lần bố Sinh đã bán cả đồng phục học sinh của con để lấy tiền hút thuốc), số tiền còn lại Sinh sẽ mang xuống trường. Tôi cũng lập tức nhấn mạnh thêm một điều: chúng tôi sẽ cắt viên trợ nếu phát hiện ra Sinh đem tiền về cho bố. Sinh lí nhí nói: \\\"Vâng ạ, em sẽ cố gắng học để không phụ công của các nhà hảo tâm\\\". Đồng thời tôi cũng thống nhất sẽ giữ bí mật số tiền trợ cấp với gia đình Sinh, tôi sẽ chỉ nói là ĐHSP Tây Bắc đã thu sếp cho Sinh hưởng một chế độ học tập như ở trường nội trú, như vậy gia đình sẽ không tốn kém. Anh Bảo, anh Làng cũng đồng ý phương án này và chúng tôi lên đường đến nhà Sinh.

Nhà Sinh cách huyện 3km, cheo leo trên một quả đồi.10h sáng, nhưng đường lên nhà Sinh vẫn phủ đầy mây. Đó là một căn nhà bằng gỗ tồi tàn, phòng khách tối như hũ nút, tôi kêu Sinh bật điện lên thì em nói: \\\"Nhà em không có điện\\\". Nhờ vài tia sáng lọt được vào căn phòng qua những khe hở giữa hai tấm gỗ xếp gần nhau căn phòng cũng có được thứ ánh sáng lờ mờ. Và tất nhiên, vì không có điện nên tất cả các vật dụng liên quan đến điện đều không có, chỉ có vài cái chõng tre, bàn ghế tre, gùi đi nương đan bằng mây cói vất lỏng chỏng trong nhà. Vòng một lúc, tôi phát hiện ra nhà Sinh có 3 thứ vẫn còn giá trị cái máy khâu phải đạp chân, 3 con lợn và 2 con ngựa. Vách tường cạnh bàn thờ thì sáng lên vì được dán rất nhiều bằng khen học sinh tiên tiến, chiến sỹ nhỏ Điện Biên của Sinh. Ngoài ra còn một biên lai thu lãi của khoản vay 10 triệu đồng do anh của Sinh đứng tên.

Chang A Dê là anh trai của Sinh, có gương mặt thanh tú, thân hình mảnh khảnh. A Dê không được cho đi học, do cha nghiện, không lao động được, một mình mẹ Sinh không lo nổi việc nương, là anh cả A Dê phải nghỉ học sớm. A Dê đã lấy vợ, hiện là trụ cột gia đình. Ngày Chang A Dê vay 10 triệu đã cho Sinh 1 triệu để đi thi ĐH, còn 9 triệu thì đầu tư nuôi dê, nhưng dê đã chết hết cho dịch bệnh, còn Sinh thì đỗ ĐHSP Tây Bắc và 1 trường nữa là Cao Đẳng Sư Phạm. Chang A Dê kể cho tôi biết, năm nào Sinh cũng được học sinh tiên tiến và bằng khen Chiến Sĩ Nhỏ, nhưng năm lớp 12 thì không được do Sinh suy nghĩ quá nhiều, em thường hay nói với anh: \\\"người ta có tiền thì đi thi ĐH, mình không có tiền chả biết có thi ĐH được không, mà thi được thì cũng thành \\\"ĐH quét nương\\\". A Dê cũng cho tôi biết suốt những năm học phổ thông, gia đình đã định cho Sinh nghỉ học 3 lần do thiếu người làm và thiếu tiền, nhưng vì Sinh không đồng ý gia đình lại muốn em trai Sinh nghỉ học ở nhà, Sinh thương em, đã hứa là học xong cấp 3 sẽ lấy vợ sớm để cho em trai đi học, hiện em trai Sinh đang học cấp 3.

Mẹ của Sinh 50 tuổi, không biết tiếng Kinh, là người phụ nữ H\\\'Mông đặc sệt. Bà nhìn tôi cười móm mém, nói mấy câu mà anh Làng dịch cho tôi là: \\\"nhà nghèo, chỉ nuôi cho nó lớn được thôi, còn chuyện đi học thì nhờ Thầy giáo và các chị\\\"

Sinh có mấy đứa cháu, khá dễ thương, nhưng đều cởi truồng và bẩn

Riêng bố của Sinh, thấy anh Làng công an đến đã lẩn vào rừng từ bao giờ.

Gia đình Sinh đón chào tôi chu đáo, riêng anh của Sinh thì rất ra dáng làm trụ cột gia đình, đã xin phép quỳ lạy cảm ơn chúng tôi. Tôi giãy nảy lên vì ngại (người Kinh có quỳ lạy ai bao giờ đâu). Sinh và A Dê sau lễ quỳ lạy thì mời tôi ăn cơm, tôi là khách đặc biệt nên được lưng cơm trắng, còn mọi người đều ăn bột ngô, ngoài ra, A Dê cũng đã xuống chợ mua được một con gà đen về làm thịt.

Quay phim chụp ảnh xong, tôi xin phép ra về. Suốt dọc đường đi, anh Bảo lại kể tôi nghe về viễn cảnh sau khi Sinh ra trường, em có thể được cử lên một trường cấp 3 mới mở cách nhà em khoảng 20km, với mức lương hơn 2 triệu một tháng, Sinh có thể là trụ cột gia đình, thay đổi số phận của con, cháu trong nhà. Điều mà tôi nhận thấy ở anh là một người thầy tận tâm, thương học trò, không vụ lợi, rất chu đáo với một người lạ như tôi, và anh Bảo uống rượu cũng rất giỏi nữa.

Đường lên Tủa Chùa, Điện Biên, núi cao vực sâu, cảnh vật ở đây có lẽ chỉ cần miêu tả ngắn gọn thế này:

Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo vẽ cảnh cheo leo
Trai Mông dựng lán lưng chừng núi
Gái bản trồng nương khắp chân đồi.

Cuộc sống và cảnh vật nơi đây là cả một sự thách thức đối với sự phát triển và tiến bộ. Mong rằng những người như Sinh có cơ hội học tập và đóng góp cho đất này.