Chào cả nhà,
Các nước đã phát triển khi làm việc với các nước mới phát triển thường gặp nhiều trở ngại, một trong những trở ngại lớn nhất là chuyện bản quyền.
Copy bài viết trên các diễn đàn thì không lớn lao quan trọng như thế, nhưng ta cũng nên xét kỹ vì như Charles Reade, văn sĩ người Anh đã nói:
“ Sow a thought, and you reap an act
Sow an act, and you reap a habit
Sow a habit, and you reap a character
Sow a character, and you reap a destiny”
\\\" Gieo một suy nghĩ sẽ gặt một hành động
Gieo một hành động sẽ gặt một thói quen
Gieo một thói quen sẽ gặt một tính cách
Gieo một tính cách sẽ gặt một số phận\\\"
Thói quen có nguồn gốc xuất xứ từ khi còn nhỏ. Ta thường thấy những đứa bé qua nhà hàng xóm chơi, khi về nó đòi mang đồ chơi về, không cho thì nó cứ bảo: “của con mà!”.
Người lớn không phải là trẻ em nhưng ta phải công nhận rằng người lớn nhiều khi cũng ngây thơ như vậy. Đối với chuyện viết lách, tôi nghĩ chúng ta nên phân biệt rành mạch hai trường hợp khác nhau: Trích nguyên văn và mượn ý.
Trích nguyên văn: Nhất thiết phải ghi tên tác giả hoặc đề chữ “sưu tầm” nếu không nhớ rõ tác giả là ai. Đó vừa là để thể hiện sự tôn trọng người đọc, vừa là để giới hạn vai trò của mình đối với câu trích dẫn. Điều này không hề làm giảm uy tín của người viết bài mà ngược lại, làm cho người đọc tin mình hơn.
Trích dẫn nguyên văn mà không ghi nguồn thì dù vô tình hay cố ý, ta vẫn bị xem là \\\"đạo văn\\\". Vậy quan điểm của tôi là thận trọng vẫn tốt hơn.
Mượn ý thì lại khác. Mượn ý không bị xem là sai trái mà ngược lại, giúp tác phẩm trước trở thành điển tích và tác giả trước trở thành huyền thoại. Trong văn chương ta gặp rất nhiều, xin lấy vài ví dụ:
Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Trước sau nào thấy bóng người, hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, ông đã mượn ý hai câu thơ của Thôi Hộ: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Trường hợp này nếu có chú thích là để tăng kiến thức cho người đọc chứ không phải vì trách nhiệm với bản quyền.
Bác Hồ nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, lấy ý từ câu nói của Quản Trọng: “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân”. Trường hợp này ta cũng không bắt buộc phải chú thích.
Hoặc khi nói câu: “Lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân”, ta cũng không cần trích dẫn nguyên văn lời nói của Phạm Trọng Yêm: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”.
Như vậy Thôi Hộ, Quản Trọng, Phạm Trọng Yêm tuy không đăng ký bản quyền nhưng nhờ người đời sau mà danh họ trở thành bất tử. Và người đời sau mượn ý những câu nói ấy không những không vi phạm bản quyền mà còn có công với văn học.
Chúc mọi người vui vẻ.
Banron